PHÂN TÍCH MÃ CỔ PHIẾU FPT (CÔNG TY CỔ PHẦN FPT)

1. GIỚI THIỆU CHUNG:

1.1. Thông tin chung

– Tên đầy đủ: Công ty Cổ phần FPT
– Mã cổ phiếu: FPT
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0103001041 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 13 tháng 5 năm 2002, thay đổi gần nhất (lần thứ 53) vào ngày 11 tháng 7 năm 2022.
– Vốn điều lệ: 10,970,265,720,000 VNĐ (Mười nghìn chín trăm bảy mươi tỷ hai trăm sáu mươi lăm triệu bảy trăm hai mươi nghìn đồng)
– Vốn chủ sở hữu: 25,356,124,687,812 VNĐ (Hai mươi lăm nghìn ba trăm năm mươi sáu tỷ một trăm hai mươi tư triệu sáu trăm tám mươi bảy nghìn tám trăm mười hai đồng)
– Địa chỉ trụ sở: Số 10 Phạm Văn Bạch, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, Việt Nam
– Số điện thoại: +84 24 7300 7300 Fax: +84 24 3768 7410
– Website: https://fpt.com/

1.2. Quá trình hình thành và phát triển

FPT là công ty tiên phong chuyển đổi số và dẫn đầu về tư vấn, cung cấp, triển khai các dịch vụ, giải pháp công nghệ – viễn thông thuộc top 20 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Việt Nam.
Với tiền thân là Công ty cổ phần chế biến Thực phẩm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sấy, công nghệ thông tin và công nghệ tự động hóa thuộc Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia được thành lập ngày 13 tháng 9 năm 1988, ngày 27 tháng 10 năm 1990, FPT được đổi tên thành Công ty Đầu tư và phát triển Công nghệ với hoạt động kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, trở thành một trong bốn nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam. Đến tháng 4 năm 2002, FPT chính thức trở thành công ty cổ phần với số vốn là 30 tỷ đồng. Ngày 13 tháng 12 năm 2006, Công ty Cổ phần FPT chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã chứng khoán: FPT.
Hiện nay, FPT hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Công nghệ (Phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống và công nghệ thông tin), viễn thông (Dịch vụ viễn thông và nội dung số) và giáo dục. Trong suốt quá trình hoạt động, FPT không ngừng nâng tầm vị thế trên toàn cầu. Tính đến năm 2022, Công ty Cổ phần FPT có hệ thống 48 văn phòng tại 27 quốc gia trên thế giới và phủ khắp 59/63 tỉnh thành, đồng thời trở thành Cổ Đông Chiến Lược Của LTS, Inc. – công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật với hơn 20 năm kinh nghiệm và nằm trong top 8 nhà cung cấp dịch vụ IoT toàn cầu do Forrester đánh giá.

1.3. Lĩnh vực kinh doanh
FPT hoạt động trong các lĩnh vực Công nghệ, Viễn thông và Giáo dục với hệ thống 290 trụ sở, văn phòng, chi nhánh tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hạ tầng công nghệ phủ rộng khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh cụ thể của FPT như sau:
(1) Dịch vụ phát triển phần mềm gồm xuất khẩu phần mềm, cung cấp gói phần mềm và giải pháp, dịch vụ phần mềm và hệ thống quản trị nguồn lực ERP.
(2) Dịch vụ công nghệ thông tin gồm dịch vụ tư vấn chuyển đổi số và tư vấn công nghệ thông tin, dịch vụ quản trị hệ thống, dịch vụ BPO, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa.
(3) Tích hợp hệ thống.
(4) Dịch vụ viễn thông bảo gồm các dịch vụ internet, truyền hình trả tiền và các dịch vụ giá trị gia tăng.
(5) Dịch vụ nội dung số gồm các dịch vụ quảng cáo trực tuyến.
(6) Dịch vụ đào tạo ở các cấp tiểu học, phổ thông, cao đẳng, đại học và sau đại học.

1.4. Các công ty con và công ty liên kết
1.4.1. Các công ty con
Tính đến 31/12/2022, CTCP FPT sở hữu 8 công ty con trực tiếp và 3 công ty liên kết với vốn điều lệ và phần trăm sở hữu như sau:

1.5. Cơ cấu cổ đông
Tính đến 31/12/2022, cơ cấu cổ đông của CTCP FPT như sau: 64.41% cổ đông ngoài là tổ chức, 18.86% cổ đông ngoài là cá nhân, 10.94% cổ đông nội bộ và 5.79% cổ đông Nhà nước. Toàn bộ cổ phiếu đã phát hành đều là cổ phiếu phổ thông, cụ thể 1,097,026,572 (một tỷ không trăm chín mươi bảy triệu không trăm hai mươi sáu nghìn năm trăm bảy mươi hai) cổ phiếu.

Dựa theo đối tượng sở hữu, cụ thể:

Dựa theo quốc tịch, cụ thể:

Cổ đông trong nước nắm giữ 51% tổng vốn điều lệ, trong đó phần lớn là các nhà đầu tư cá nhân (96.60%). Cùng với đó, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nước là 49% với cổ đông tổ chức chiếm đa số (48.36%)
CTCP FPT có 16 cổ đông nắm giữ 10.94% cổ phần, trong đó, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT – nắm giữ nhiều cổ phần nhất với tỷ lệ là 7.01% trên tổng số cổ phần của công ty.

Trong quá trình hình thành và phát triển, FPT đã nhiều lần tăng vốn điều lệ. FPT được thành lập với vốn điều lệ là 10.970 tỷ VNĐ. Hiện tại, tính đến tháng 05/2023, FPT đã tăng vốn điều lệ lên 11,043 tỷ đồng.

1.6. Ban lãnh đạo

2. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY
2.1. Về tài sản Bảng cân đối kế toán
2.1.1. Về tài sản
(Đơn vị: Triệu đồng)

Tổng tài sản của công ty thời điểm 31/12/2022 là 51,650 tỷ đồng, giảm 2,047 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng giảm 3.81%). Trong đó Tài sản ngắn hạn là 30,937 tỷ đồng, chiếm tới 59.9% và tài sản dài hạn là 20,712 tỷ đồng chiếm 40.1%.
a. Đánh giá tài sản ngắn hạn
Thời điểm 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của Công ty giảm 4,180 tỷ đồng (tương ứng giảm 11.9%) so với năm 2021. Cơ cấu tài sản ngắn hạn gồm:
– Tiền và các khoản tương đương tiền: tại thời điểm 31/12/2022 là: 6,440 tỷ đồng, chiếm 12.47% tổng tài sản và tăng 1,022 tỷ, tương đương 18.87% so với năm 2021.

– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: tại thời điểm 31/12/2022 là 13,047 tỷ đồng, chiếm 25.26% tổng tài sản, giảm 7,683 tỷ so với năm 2021 (tương ứng mức giảm 37.06%). Đây là các khoản đầu tư tài chính có thời hạn trên 3 tháng như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, tiền đang chuyển. Bên cạnh đó có các khoản tương đương tiền chủ yếu gồm các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng với lãi suất được quy định cụ thể cho từng khoản tiền gửi.

– Các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2022 của Công ty là 8,502 tỷ đồng chiếm 16.46% tổng tài sản; tăng 1,620 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 23.55%), bao gồm: các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 7,990 tỷ, trả trước người bán 292 tỷ, các khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng 199 tỷ, các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 882 triệu đồng, các khoản phải thu ngắn hạn khác 719 tỷ, và các khoản dự phòng (-699) tỷ.
+ Phải thu ngắn hạn của khách hàng: tăng 1,778 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 28.62%). Đây là các khoản phải thu của khách hàng trong ngắn hạn, cụ thể, FPT có 4 khách hàng chiếm từ 2% tổng số dư phải thu ngắn hạn: Công ty LG Electronic là 213 tỷ, Công ty Cox Automotive Corporate Services với 202 tỷ, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam với 199 tỷ và Ủy ban Quốc Gia Thu nhập tại Bangladesh với 180 tỷ.

+ Trả trước cho người bán ngắn hạn: giảm 107 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 26.9%). Trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ mạng và Truyền thông là nhà cung cấp chiếm từ 10% tổng số dư trả trước cho người bán ngắn hạn, cụ thể là 72 tỷ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, khoản trả trước cho nhà cung cấp này đã được hoàn trả và không còn số dư.

+ Các khoản phải thu ngắn hạn khác: tăng 123 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 20.71%). Đây là các khoản lãi cho vay, lãi tiền gửi, phải thu liên quan tới các hợp đồng dịch vụ bảo trì và ký cược, ký quỹ cũng như những khoản phải thu ngắn hạn khác.

Bên cạnh đó, công ty FPT có 199 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng và 0,882 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn. Hai khoản phải thu này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tài sản ngắn hạn của công ty, lần lượt là 0.39% và 0.002%.
+ Khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi: giảm 169 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 30.97%). Đây là các khoản lãi cho vay, lãi tiền gửi, phải thu liên quan tới các hợp đồng dịch vụ bảo trì và ký cược, ký quỹ cũng như những khoản phải thu ngắn hạn khác.

– Hàng tồn kho của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 2,121 tỷ đồng, chiếm 4.11% tổng tài sản của Công ty, tăng 458 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 30.41%). Trong đó bao gồm: hàng mua đang đi đường, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, thành phẩm, hàng hóa, hàng gửi bán. Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho là (155) tỷ.

Ngoài ra, công ty có 981 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác, bao gồm chi phí trả trước ngắn hạn 409 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) được khấu trừ 392 tỷ và thuế và các khoản phải thu của nhà nước 179 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, tài sản ngắn hạn khác của FPT tăng 69.16% so với cùng kỳ năm 2021.

b. Tài sản dài hạn:
Tài sản dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 20,712 tỷ đồng, chiếm 40.1% tổng tài sản Công ty, tăng 2,133 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 11.48%). Trong đó: Tài sản cố định hữu hình là 10,714 tỷ đồng (chiếm 20.74% tổng tài sản), tài sản cố định vô hình là 1,287 tỷ (chiếm 2.49% tổng tài sản), tài sản dở dang dài hạn là 1,062 tỷ ( chiếm 2.06% tổng tài sản), đầu tư tài chính dài hạn là 3,238 tỷ (chiếm 6.27% tổng tài sản), tài sản dài hạn khác là 4,154 tỷ (chiếm 8.04% tổng tài sản).
– Tài sản cố định hữu hình của Công ty tăng 1,453 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 15.69%), chủ yếu bao gồm: (1) Nhà cửa, vật kiến trúc; (2) Máy móc, thiết bị; (3) Phương tiện vận tải; (4) Thiết bị quản lý và (5) Tài sản cố định hữu hình khác. Trong đó, máy móc và thiết bị là 5,579 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng lớn nhất.

– Tài sản cố định vô hình của FPT tăng 154 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 13.59%), đây là các khoản gồm: (1) Quyền sử dụng đất; (2) Phần mềm máy vi tính; (3) Giấy phép, quyền khai thác, quyền phát hành và bản quyền và (4) Tài sản cố định vô hình khác. Giấy phép, quyền khai thác, quyền phát hành và bản quyền là 569 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản cố định vô hình.

– Ngoài ra, tính đến 31/12/2022, công ty FPT có tài sản cố định thuê tài chính là 31 tỷ đồng, gấp 5 lần trị giá tài sản cố định thuê tài chính của năm 2021.
– Tài sản dở dang dài hạn của FPT, cụ thể là chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 1,062 tỷ đồng, chiếm 2.06% tổng tài sản và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi phí xây dựng Khuôn viên Đại học FPT tại Đà Nẵng là 192 tỷ đồng, chi phí dành cho Dự án Hòa Lạc 3 là 184 tỷ, chi phí dùng để xây dựng Trung tâm dữ liệu Quận 9 là 177 tỷ đồng, chi phí xây dựng Khuôn viên Đại học FPT tại cần thơ là 105 tỷ đồng và chi phí xây dựng cơ bản khác là 402 tỷ đồng. Chi phí xây dựng 4 dự án tăng lên so với cuối năm 2021, bên cạnh đó, chi phí khác giảm đi một nửa so với cùng kỳ năm 2021.

– Đầu tư tài chính dài hạn năm 2022 của công ty là 3,238 tỷ đồng, chiếm 6.27% tổng tài sản và không thay đổi quá nhiều so với cuối năm 2021. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn gồm đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Công ty Cổ phần FPT có hai công ty liên doanh, liên kết trực tiếp là Công ty Cổ phần Synnex FPT và Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này được xác định dựa trên cơ sở giá đóng cửa của cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán và số lượng cổ phiếu mà Tập đoàn đang nắm giữ tại ngày kết thúc năm tài chính. Khoản đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết là 2,205 tỷ đồng, chiếm 68.11% tổng đầu tư tài chính dài hạn, trong đó: 1,048 tỷ đồng để đầu tư cho Công ty Synnex FPT và 934 tỷ đồng để đầu tư cho Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Trong năm 2022, có thêm 120,4 tỷ đồng khoản vốn góp thêm vào công ty liên kết (cùng kỳ năm 2021 không có), tuy nhiên không có khoản chuyển từ đầu tư vào công ty liên kết sang đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác là 2,399 tỷ đồng, chiếm 74.08% tổng đầu tư tài chính dài hạn, trong đó, đầu tư vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong là 494,4 tỷ đồng, đầu tư vào Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT là 451 tỷ đồng và 1,453 tỷ đồng đầu tư vào đơn vị khác.
Ngoài ra, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 10.2 tỷ đồng, chiếm 0.02% tổng tài sản công ty. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn này là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn còn lại trên 12 tháng.
Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn là 1,376 tỷ đồng, tăng 529 tỷ đồng, tương đương 62.5%.

– Tại thời điểm 31/12/2022, chi phí trả trước dài hạn là 3,488 tỷ đồng, chiếm 6.75% tổng tài sản, trong đó chi phí chi ra để triển khai dịch vụ viễn thông cho thuê bao mới là 1,702 tỷ đồng và chi phí thuê đất, văn phòng và nội thất là 1,059 tỷ đồng. Chi phí dài hạn khác là 727 tỷ đồng.

– Công ty có 407,94 tỷ lợi thế thương mại.

2.1.2. Phân tích nguồn vốn:

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng nguồn vốn của Tập đoàn FPT là 51,650 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải trả là 26,294 tỷ đồng chiếm 50.91% tổng nguồn vốn của FPT; Vốn chủ sở hữu là 25,356 tỷ đồng chiếm 49.09%.

(1) Nợ phải trả:
Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của FPT là 26,294 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ngắn hạn là 24,521 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 1,773 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, nợ phải trả của FPT đã giảm 18.54%.
a) Nợ ngắn hạn: Tại thời điểm 31/12/2022 Nợ ngắn hạn của FPT là 24,532 tỷ, giảm 5,239 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 17.61%). Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trị giá 10,904 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng trị giá nợ ngắn hạn. Các khoản phải trả người bán ngắn hạn (3,209 tỷ đồng), phải trả người lao động (3,276 tỷ đồng) và doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (3,200 tỷ đồng) đều chiếm khoảng 13% nợ ngắn hạn.

– Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Công ty là 10,904 tỷ đồng, chiếm 21.11% tổng nguồn vốn. Khoản vay này đã giảm 38.74% so với đầu kỳ, chủ yếu bao gồm:
+ Vay ngân hàng ngắn hạn 9,994 tỷ đồng, chiếm 91.65% tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Đây là khoản vay ngân hàng có thời hạn dưới 12 tháng không có tài sản đảm bảo nhằm bổ sung vốn lưu động cho FPT với lãi suất quy định cụ thể cho từng lần rút vốn trong năm khoảng từ 0.45%/năm đến 8.8%/năm.
+ Vay bên liên quan, cụ thể FPT vay công ty con là Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT 40 tỷ đồng.
+ Vay và nợ dài hạn đến hạn phải trả gồm khoản vay ngân hàng 1,457 tỷ đồng và nợ thuê tài chính 20 tỷ đồng. Đây là khoản vay ngân hàng dài hạn không có tài sản đảm bảo nhằm tài trợ mua sắm và xây dựng TSCĐ cho FPT với lãi suất được quy định cụ thể cho từng lần rút vốn trong khoảng 0%/năm đến 7.2%/năm.

– Phải trả người bán ngắn hạn: tăng 343 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 11.98%). Trong đó, phải trả cho Công ty Uromax (Singapore) là 132 tỷ đồng, phải trả cho Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Viễn thông Tin học Sun Việt là 118 tỷ đồng, phải trả cho công ty Cổ phần Dây và cáp SACOM là 112 tỷ đồng. Ngoài ra còn một số nhà cung cấp khác chiếm hơn 2% tổng số dư phải trả người bán ngắn hạn.

– Chi phí phải trả ngắn hạn: giảm 21 tỷ so với năm 2021 (tương đương 2.59%), gồm các chi phí liên quan đến các dự án tích hợp hệ thống, lãi vay phải trả và chi phí ngắn hạn khác.

– Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn của FPT tăng 670 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 26.48%), chủ yếu đến từ dịch vụ viễn thông và dịch vụ giáo dục.

– Công ty trích lập quỹ khen thưởng với số dư tại 31/12/2022 là 90 tỷ đồng.

b/ Nợ dài hạn: của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 1,773 tỷ, chiếm 3.43% tổng nguồn vốn, giảm 745 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 29.61%). Nợ dài hạn chủ yếu là Vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Khoản vay ngân hàng và nợ thuê tài chính dài hạn của FPT tại cuối kỳ là 1,477 tỷ đồng, giảm 35,64% so với đầu kỳ. Đây là khoản vay ngân hàng dài hạn lãi suất từ 0%/năm đến 7,2%/năm trị giá 1,457 tỷ đồng và nợ thuê tài chính 20 tỷ đồng. Trong năm 2022, FPT đã hoàn trả được một phần các khoản vay dài hạn, đồng thời phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các khoản vay bằng ngoại tệ (Đô la Mỹ, Yên Nhật và Đồng Việt Nam) bằng cách thực hiện các giao dịch hoán đổi ngoại tệ và mua ngoại tệ trong tương lai.

2.2.2. Vốn chủ sở hữu: Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của FPT là 25,353 tỷ đồng (chiếm 49.09% tổng nguồn vốn). Tăng 3,938 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 18.39%). Trong đó: Vốn góp của chủ sở hữu là: 10,970 tỷ đồng; phần còn lại 14,383 tỷ đồng là phần lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ…

Qua bảng cân đối kế toán của FPT ta thấy, cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của FPT giảm 2,047 tỷ đồng (tương đương 3,8%) so với thời điểm đầu năm. Mức giảm này chủ yếu đến từ việc các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn, đã giảm 37% kể từ đầu năm. Tài sản của FPT là những tài sản có chất lượng, với nguồn tiền lớn hỗ trợ cho các dự án đầu tư trong tương lai.
Nhìn chung, FPT có cơ cấu tài chính cân bằng giữa vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
2.3. Kết quả hoạt động SXKD:
Đơn vị: triệu đồng

– Đầu năm 2022, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 42,420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 7,618 tỷ đồng. Cuối năm 2022, doanh thu của FPT đạt 44,023 tỷ đồng, tăng 8,351 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 23.41%), hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ các nguồn: bán hàng, cung cấp dịch vụ và hoạt động tài chính.
Trong đó, đóng góp chính là doanh thu cung cấp dịch vụ 39,372 tỷ đồng, chiếm 89.46% doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tổng doanh thu thuần về bán hàng và CCDV là 44,009 tỷ đồng, tăng 8,352 tỷ đồng (tương đương 23.42%) so với năm 2021.

– Giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ là 26,842 tỷ đồng, tăng 4,816 tỷ đồng (tương đương 21.87%) so với năm 2021.
– Năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp là 17,167 tỷ đồng, tăng 13,631 tỷ đồng (tương đương 25.93%) so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của FPT là 6,491 tỷ đồng, tăng 21.35% so với mức 5,349 tỷ của năm 2021.

+ Doanh thu đến từ hoạt động tài chính của FPT là 1,998 tỷ đồng, tăng 727 tỷ đồng (tương đương 57.26%) so với năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính đến từ lãi tiền gửi, cho vay trị giá 1,349 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá trị giá 466 tỷ đồng, cổ tức, lợi nhuận được chia trị giá 14 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động tài chính khác trị giá 168 tỷ đồng.

– Chi phí kinh doanh có mức tăng vừa phải:
+ Chi phí bán hàng tăng 921 tỷ đồng, tương ứng 25.57%.
+ Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,233 tỷ đồng, tương ứng 26.75%.
– Chi phí tài chính tăng 543 tỷ đồng, tương ứng 47.47% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân đến từ chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá tăng nhanh.

Nhìn chung, có thể thấy, phần lớn doanh thu của FPT đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa, không có doanh thu đột biến phát sinh.

2.4. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đến 31/12/2022 là 5,053 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là 5,757 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần tư hoạt động tài chính là -9,773 tỷ đồng.

2.5. Chỉ số tài chính:

3. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023 CỦA FPT
Xu hướng chung của lĩnh vực IT
Theo dự báo của IDC – Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về CNTT: Ngành công nghệ đang trên đà vượt mức 5.300 tỷ USD vào năm 2022, mức tăng trưởng trung bình hàng năm 5% – 6%. Trong đó, Mỹ là thị trường công nghệ lớn nhất thế giới, chiếm 33% tổng chi tiêu, tương đương khoảng 1.800 tỷ USD cho năm 2022. Đồng thời, chuyển đổi số dự báo tăng trưởng 17,6% trong năm 2023, đạt 1.800 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng bền vững ở mức 16,6% CAGR trong ba năm tới. Như vậy, sự phát triển ngày một mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin mà một xu hướng tất yếu sẽ diễn ra. Trong bối cảnh đó, công ty FPT cũng đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cụ thể để nắm bắt được cơ hội phát triển.

Trong thời gian tới FPT có kế hoạch kinh doanh, thị trường mới, hợp đồng, dự án nào giúp tăng doanh thu và lợi nhuận ko?
Với định hướng chiến lược và những thành tựu đạt được trong năm 2022, HĐQT đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 như sau:

Các chỉ tiêu năm 2023 dự kiến:
– Tổng Doanh thu: 52,289 tỷ đồng
– Lợi nhuận trước thuế: 9,055 tỷ đồng
Công ty FPT đưa ra mục tiêu năm 2023 doanh thu đạt 52, 289 tỷ đồng, tăng 18.8% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế đạt 9,055 tỷ đồng, tăng 18.2% so với năm trước đó.
Song hành với mục tiêu được đặt ra, Công ty Cổ phần FPT đã đề ra kế hoạch đầu tư dự kiến nhằm đảm bảo đà tăng trưởng lâu dài như sau:

● Khối Công nghệ: Đầu tư mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
● Khối Viễn thông: Đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm Dữ liệu.
● Khối Giáo dục: Đầu tư mở rộng các khuôn viên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và mở rộng thêm 07 điểm trường phổ thông mới tại các tỉnh thành.

Với kế hoạch đã đề ra, tính đến hết Q3/2023, doanh thu của FPT tăng trưởng tại mọi thị trường, đặc biệt tại Nhật tăng 44.1% và tại APAC tăng 37.6%.

Theo BCTC Q3/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của FPT trong quý 3 năm 2023 ghi nhận 13,761 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,739 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp vẫn duy trì ổn định ở mức 40%.
Kết thúc T9/2023, lũy kế doanh thu của FPT là 37,927 tỷ đồng, tăng trưởng đạt mức 22,4%, lợi nhuận sau thuế tính đến hết quý 3 là 5,741 tỷ đồng, tăng 885 tỷ đồng (tương đương 18.2%) so với năm 2022, theo sát kế hoạch đã đề ra tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023. Doanh thu của FPT chủ yếu vẫn đến từ việc cung cấp dịch vụ, chiếm 91.5% tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

● Khối Công nghệ: đóng góp 59% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế, tương đương 22,517 tỷ đồng (tăng trưởng 25.7% so với cùng kỳ) và 3,128 tỷ đồng (tăng trưởng 20.8% so với cùng kỳ). Doanh thu Dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt 17,626 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2,878 tỷ đồng. Tuy nhiên, dịch vụ CNTT trong nước tuy ghi nhận doanh thu tăng 4,891 tỷ đồng (tăng 10.2% so với năm 2022) và lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, giảm 34.1% do nhu cầu sụt giảm từ khối khách hàng doanh nghiệp.
Dự án phát triển hệ sinh thái công nghệ Made by FPT cũng mang lại 993 tỷ đồng doanh thu cho FPT, tăng 45% so với năm 2022.

● Khối Viễn thông: duy trì tăng trưởng với doanh thu đạt 11,278 tỷ đồng, tăng 10.1% so với năm 2022 và lợi nhuận trước thuế đạt 2,217 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
● Khối Giáo dục: ghi nhận doanh thu 4,435 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Mức độ ổn định của các nguồn doanh thu, khả năng mở rộng doanh thu/Tiềm năng của FPT:
– Mảng dịch vụ CNTT:
o Nước ngoài:
▪ Dịch vụ CNTT của FPT được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tại mọi thị trường, đặc biệt là ở Nhật và châu Á Thái Bình Dương với sự gia tăng nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn, nổi bật là chi tiêu cho chuyển đổi số. Đây cũng là mảng kinh doanh chính đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của FPT.
▪ Các dự án thuộc lĩnh vực CNTT tại thị trường nước ngoài: 9 tháng năm 2023, FPT ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, trong đó có 20 dự án với quy mô trên 5 triệu USD, doanh thu ký mới đạt 20,700 tỷ đồng (tăng trưởng 23.2% svck).
● FPT Software đã ký thỏa thuận hợp tác, phụ trách toàn bộ việc phát triển phần mềm cho nhiều loại thiết bị của Nippon Seiki – Tập đoàn sản xuất thiết bị đo tốc độ Nhật Bản. Theo thỏa thuận, FPT Software chịu trách nhiệm phát triển phần mềm toàn công đoạn (full life-cycle) và sẽ bắt đầu bằng việc xây dựng nền tảng và phát triển ứng dụng cho sản phẩm cụm đồng hồ (meter), ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất như CGI (công cụ tạo giao diện người dùng trên màn hình ô tô) hay giả lập MBD/Matlab.

● Thành lập FPT Semiconductor – Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch. Đến nay, sản phẩm của chip nguồn (PMIC – Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn R&D đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase). FPT đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào 2 năm 2024 và 2025. Tính đến nay, FPT đã đạt được nhiều hợp đồng hợp tác với các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Mỹ.
FPT Semiconductor ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ).

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT đại diện Tập đoàn FPT trao đổi thỏa thuận hợp tác với đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi.

● FPT đã hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI – Công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ).

⇨ Thị trường nước ngoài có tiềm năng rất lớn, vì vậy, doanh thu và lợi nhuận thu được từ hoạt động cung cấp dịch vụ CNTT tại nước ngoài được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra. Đây là một nguồn doanh thu có khả năng sẽ còn tăng trưởng trong tương lai.
o Trong nước:
▪ Theo Báo cáo Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023, FPT đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành, khối doanh nghiệp nước ngoài và các ngành kinh tế ít bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo tăng trưởng.
▪ Trong 9 tháng đầu năm 2023, tuy doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng CNTT trong nước chưa đạt được kỳ vọng do sự suy giảm nhu cầu đến từ khối khách hàng doanh nghiệp và sự bão hòa về công nghệ trong nước, đây vẫn là mảng đáng kỳ vọng đem lại Dthu và LN cho FPT trong tương lai.
▪ Dự án:
● Xây dựng phương pháp luận chuyển đổi số – FPT Digital Kaizen để song hành cùng các doanh nghiệp, chính phủ nắm bắt các cơ hội số, kiến tạo những giá trị lớn định hình tương lai.
Quy trình 6 bước theo phương pháp luận FPT Digital Kaizen.

● FPT.IDCheck: Ra đời trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Giải pháp dành cho nhu cầu xác thực định danh tại tất cả các lĩnh vực với độ chính xác cao lên đến 100%, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về công nghệ và bảo mật để được Bộ Công an cấp phép cung cấp dịch vụ xác thực thẻ CCCD gắn chip. Tháng 9/2022, FPT IS đã ký kết hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (RAR) – Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an) để triển khai giải pháp FPT.IDCheck rộng rãi trên cả nước. Tính đến nay, giải pháp được đưa vào sử dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như: Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit), Công ty Tài chính TNHH Một Thành Viên Quốc Tế Việt Nam JACCS (JACCS), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…

– Mảng Viễn thông:
o Tiếp tục đầu tư các trục cáp chính, trục cáp biển quốc tế, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống Trung tâm Dữ liệu.
o FPT Telecom: Ra mắt Bộ giải mã FPT Play 2022: tích hợp hai nền tảng công nghệ IPTV và OTT trên cùng một thiết bị, giúp người dùng trải nghiệm đồng nhất, liên tục, không gián đoạn dịch vụ của FPT Play với bất kỳ hệ thống mạng nào, tại bất kỳ đâu; tăng cường đầu tư vào các nội dung thể thao nổi bật như V-League, AFF Cup, tiên phong nắm giữ các giải đấu quốc tế nổi bật khác như UEFA, AFC, NBA… Với mức tăng trưởng số thuê bao trả tiền trên 20%, lợi nhuận từ mảng Dịch vụ truyền hình trả tiền đạt mức tăng trưởng trên 40%.

o FPT Online:
▪ VRace – thể thao trực tuyến với gần 100.000 người dùng

▪ eBox – nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực chiến

– Mảng Giáo dục: Tuy đóng góp 10% doanh thu và 20% LNST, đây là mảng có sự tăng trưởng ấn tượng nhất. Trong giai đoạn tới, nhu cầu giáo dục lĩnh vực Công nghê thông tin ngày một tăng cao, với uy tín của hệ thống giáo dục FPT chuyên về đào tạo CNTT, cùng sự kết hợp của các đối tác trên thế giới có thể kể đến như Landing AI, tiềm năng mở rộng lĩnh vực đào tạo CNTT của FPT khá triển vọng. Dự án FPT UniSchool cũng trong quá trình đưa vào hoạt động năm 2023 tại Hà Nam, kỳ vọng đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 10.000 học sinh, sinh viên; đồng thời tạo ra cơ hội việc làm cho khoảng 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, FPT vẫn đang bám sát kế hoạch hoạt động đã đề ra và đang trong quá trình đạt được những thành tựu nhất định. Nguồn doanh thu đến từ mảng Viễn thông được dự đoán là tiếp tục ổn định, bên cạnh đó, doanh thu đến từ cung cấp dịch vụ CNTT và Giáo dục được kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng trong tương lai.

4. ĐÁNH GIÁ CHUNG MÃ CỔ PHIẾU FPT

● FPT là công ty công nghệ hàng đầu VN. Công ty đã xây dựng được hệ sinh thái về phần mềm và công nghệ số, có lợi thế về kinh nghiệm và nguồn lực con người. Đồng thời, FPT có mạng lưới khách hàng và đối tác là các công ty lớn tại các nước phát triển như Landing AI (Mỹ), Silvacon (Mỹ), Nippon Seiki (Nhật Bản)… Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ là một lĩnh vực khó để gia nhập ngành, vậy nên yếu tố con người đóng vai trò quan trọng. FPT chú trọng đào tạo nguồn nhân lực am hiểu và có trình độ CNTT cao.
● FPT có tình hình tài chính lành mạnh, lượng tiền mặt lớn, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty.
● Trong 9 tháng đầu năm 2023, mảng dịch vụ CNTT toàn cầu vẫn đang dẫn đầu tăng trưởng, dịch vụ CNTT trong nước chưa ghi nhận nhiều thay đổi mạnh mẽ nhưng vẫn bám sát kế hoạch. Mảng Viễn thông tăng trưởng vừa phải và mảng Giáo dục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
● Tốc độ tăng trưởng của Công ty Cổ phần FPT có khả năng tăng cao vào thời gian tới bất chấp những biến động của thị trường. Sau những số liệu từ báo cáo tài chính, các nhà đầu tư đều kỳ vọng năm tiếp theo sẽ có doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh hơn nữa do là kế hoạch phát triển của doanh nghiệp đang thực hiện khá tốt gồm phát triển chuyển đổi số, đầu tư mảng công nghệ thông tin,…
● Hiện tại, cổ phiếu FPT đang có P/E là 17,05 và được giao dịch với mức giá 92,600 VND.