CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN MASAN (MSN)

1. THÔNG TIN KHÁI QUÁT
● Tên công ty: CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN MASAN
● Tên viết tắt: MASAN GROUP
● Giấy CNĐKDN số 0303576603 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp lần đầu ngày 18 tháng 11 năm 2004; Đăng ký thay đổi lần thứ 26 ngày 17 tháng 06 năm 2021.
● Mã số thuế: 0303576603
● Vốn Điều Lệ của Công Ty (tại thời điểm ngày 19/07/2023) là 14.308.434.060.000 đồng (Mười bốn nghìn ba trăm linh tám tỷ bốn trăm ba mươi bốn triệu không trăm sáu mươi nghìn đồng).
● Số điện thoại: 028-62563862
● Số Fax: 028-38274115
● Trụ sở chính: Tầng 8, Tòa nhà Central Plaza, 17 Lê Duẩn – Phường Bến Nghé – Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh
● Email: ir@msn.masangroup.com
● Website: http://www.masangroup.com/
● Mã cổ phiếu: MSN
● Quá trình hình thành và phát triển:
o Công ty tiền thân của Masan Group được thành lập vào năm 1996, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng châu Á tại thị trường Đông Âu. Trong những ngày đầu, Masan chủ yếu tập trung vào thị trường Nga với sản phẩm phổ biến là mì ăn liền.
o Năm 2001, Thương hiệu Masan Food về nước, đánh dấu sự xuất hiện của thương hiệu Masan trên thị trường.
o Tháng 11 năm 2004, Công ty Cổ phần Hàng hải Ma San (MSC) với vốn điều lệ ban đầu là 3,2 tỷ đồng được thành lập.
o Tháng 8 năm 2009, Công ty Cổ phần Hàng hải Ma San chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (Ma San Group Corporation). Đây chính là dấu mốc Masan chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán tại Việt Nam.
o Tháng 7 năm 2015, công ty thay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group).
● Ngành nghề kinh doanh
o MSN hoạt động theo mô hình tập đoàn với đa dạng các ngành nghề khác nhau.
o Các ngành nghề kinh doanh chính có thể kể đến như: chăn nuôi & thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, hàng tiêu dùng, siêu thị bán lẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên và mới đây nhất trong tháng 9/2021, thông qua Công ty TNHH The Sherpa, tập đoàn Masan đã lấn sân sang lĩnh vực viễn thông.
● Công ty con và công ty liên kết

o The CrownX (TCX) – nền tảng bán lẻ hàng tiêu dùng:
o Masan Consumer Holdings (MCH) – mảng kinh doanh hàng tiêu dùng có thương hiệu,
o WinCommerce (WCM) – mảng kinh doanh bán lẻ.
o Masan High-Tech Materials (MHT) – mảng kinh doanh vật liệu công nghệ cao
o Masan MEATLife (MML) – mảng sản xuất và chế biến thịt có thương hiệu.
o Phúc Long Heritage (Phúc Long) – thương hiệu trà và cà phê
o Ngoài ra, Masan Group còn nắm giữ 15% cổ phần của Ngân hàng Techcombank (công ty liên kết).

● Hội đồng quản trị

o MSN được dẫn dắt bởi ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT cùng với 6 thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Đăng Quang là một trong những nhà sáng lập và đóng vai trò quan trọng dẫn dắt Masan Group trong suốt quá trình hình thành và phát triển cho đến hiện nay. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan, đồng thời là thành viên Hội đồng Quản trị của 5 công ty thành viên và công ty liên kết.
o Ông Danny Le hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan. Ông đồng thời là thành viên HĐQT của 6 công ty con thuộc Masan Group, trong đó có thể kể đến vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials và Công ty Cổ phần Masan MEATLife.
● Quá trình tăng vốn điều lệ
Sau 11 lần tăng vốn điều lệ kể từ năm 2009, tính tới năm 2023, vốn điều lệ của MSN là 14.308 tỷ đồng.

2. Phân tích, đánh giá về tình hình tài chính của công ty
Đơn vị tính: triệu đồng

2.1. Về tài sản
Tổng tài sản của doanh nghiệp thời điểm 31/12/2022 là 141.342 tỷ đồng, tăng 15.249 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng 12,09%). Trong đó Tài sản ngắn hạn là 47.674 tỷ đồng, chiếm 33,73% và tài sản dài hạn là 93.668 tỷ đồng chiếm 66,27%.
a/ Đánh giá tài sản ngắn hạn
Thời điểm 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của Công ty tăng 4.044 tỷ đồng (tương ứng tăng 9,27%) so với năm 2021. Cơ cấu tài sản ngắn hạn gồm:
– Tiền và các khoản tương đương tiền: tại thời điểm 31/12/2022 là: 13.853 tỷ đồng, chiếm 9,80% tổng tài sản và giảm 8.451 tỷ, tương đương -37,89% so với năm 2021. Trong đó, phần lớn là các khoản tương đương tiền (12.134 tỷ) phản ánh các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng với kỳ hạn gốc không quá 3 tháng.

– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: tại thời điểm 31/12/2022 là 3.659 tỷ đồng, chiếm 2,59% tổng tài sản, tăng 3.326 tỷ so với năm 2021 (tương ứng mức tăng 999,67%), do trong năm 2022, Masan đã đầu tư 3.302 tỷ vào chứng khoán kinh doanh, bao gồm chứng chỉ tiền gửi (2.100 tỷ) và trái phiếu doanh nghiệp (1.302 tỷ).

– Các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2022 của Công ty là 13.929 tỷ đồng chiếm 9,86% tổng tài sản; tăng 7.295 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 109,96%), bao gồm: các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 2.735 tỷ, trả trước người bán 1.227 tỷ, phải thu về cho vay ngắn hạn 2.735 tỷ, các khoản phải thu ngắn hạn khác 10.007 tỷ, và các khoản dự phòng (-47) tỷ.

+ Phải thu ngắn hạn khác: tăng 9.124 tỷ (tương ứng 1032.43%).Trong ký cược, ký quỹ ngắn hạn bao gồm 9.015 tỷ đồng liên quan đến khoản đặt cọc cho các bên thứ ba để đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

– Hàng tồn kho của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 14.634 tỷ đồng, chiếm 10,22% tổng tài sản của Công ty, tăng 1.631 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 12,74%). Trong đó, thành phẩm tồn kho là 5.131 tỷ; Hàng hóa là 3.947 tỷ đồng; Nguyên vật liệu là 2.393 tỷ; Sản phẩm dở dang là 4.543 tỷ đồng, Công cụ và dụng cụ là 1.114 tỷ. Mức tồn kho cao mảng sản phẩm tiêu dùng thương hiệu là do Masan Consumer Holdings (MCH) chủ động hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để giúp các nhà phân phối giảm số ngày tồn kho để trở lại mức bình thường, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2022 để tạo đà tăng trưởng cho 2023. Mức tồn kho cao của ngành vật liệu công nghệ cao chủ yếu là do dự trữ quá nhiều phế liệu.
– Tài sản ngắn hạn khác của MSN tăng 242 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 45,70%), đây là các khoản Chi phí trả trước ngắn hạn (374 tỷ đồng), Thuế GTGT được khẩu trừ (1.254 tỷ) và Thuế và các khoản khác phải thu của nhà nước (159 tỷ).
b/ Tài sản dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 93.668 tỷ đồng, chiếm 66,27% tổng tài sản Công ty, tăng 11.204 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 13,59%). Trong đó: Các khoản phải thu dài hạn là 2.113 tỷ (tương ứng 1.5%), Tài sản cố định hữu hình là 30.611 tỷ đồng (chiếm 21,66% tổng tài sản), tài sản cố định thuê tài chính là 349 tỷ (chiếm 0,25% tổng tài sản), tài sản cố định vô hình là 12.574 tỷ (chiếm 8,9% tổng tài sản), bất động sản đầu tư là 729 tỷ đồng ( chiếm 0,52% tổng tài sản), tài sản dở dang dài hạn là 3.324 tỷ ( chiếm 2,35% tổng tài sản), đầu tư tài chính dài hạn là 31.333 tỷ (chiếm 22,17% tổng tài sản), tài sản dài hạn khác là 7.562 tỷ ( chiếm 5.35% tổng tài sản).
– Các khoản phải thu dài hạn của MSN tăng 235 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 12,53%), trong đó, phải thu về cho vay dài hạn là 81 tỷ, phải thu dài hạn khác là 2.032 tỷ.
+ Các khoản phải thu dài hạn khác bao gồm 1.230 tỷ đồng phải thu Nhà nước về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án khai thác mỏ Núi Pháo tại Xã Hà Thượng, Huyện Đại Từ, Tỉnh Thái Nguyên (1/1/2022: 1.230 tỷ đồng). Số tiền này có thể được trừ vào tiền thuê đất hàng năm trong tương lai.

– Tài sản cố định hữu hình của Công ty giảm 540 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -1,73%), chủ yếu là nhà cửa, vật kiến trúc (12.567 tỷ) và máy móc thiết bị (14.328 tỷ). Tại ngày 31 tháng 12 năm 2022, tài sản cố định hữu hình với giá trị còn lại là 14.739 tỷ đồng (1/1/2022: 14.806 tỷ) được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay và trái phiếu phát hành của các công ty con.

– Tài sản cố định vô hình của MSN tăng 1.281 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 11,35%), chủ yếu là các khoản quyền sử dụng đất (3.385 tỷ), quan hệ khách hàng (2.974 tỷ), thương hiệu (2.706 tỷ), và công nghệ (1.846 tỷ).

– Bất động sản đầu tư của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 giảm 80 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -9,91%). Đây là các khoản bất động sản đầu tư quyền sử dụng đất (33 tỷ) và nhà cửa và cơ sở hạ tầng (696 tỷ).

– Tài sản dở dang dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 tăng 1.303 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 64,45%). Tài sản dở dang phản ánh các khoản chi cho heo giống, xây dựng hoặc triển khai tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình chưa được hoàn thành hoặc chưa lắp đặt xong và tài sản khoáng sản đang trong quá trình phát triển.

– Đầu tư tài chính dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 tăng 6.795 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 27,69%). Phần lớn là các khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh (28.480 tỷ). Các khoản đầu tư vào công ty liên kết, thể hiện lợi ích kinh tế thực tế của MSN tại Techcombank, Phúc Long Heritage, VISSAN, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex, là 28.480 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Phần lớn là khoản đầu tư vào ngân hàng Techcombank với khoản đầu tư lên tới 25.905 tỷ đồng.

– Tài sản dài hạn khác của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 tăng 358 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 4,98%). Đây là các khoản chi phí trả trước dài hạn (7.259 tỷ) và tài sản thuế thu nhập hoãn lại (302 tỷ).
+ Chi phí trả trước dài hạn: bao gồm Tài sản khai khoáng khác ( 1.710 tỷ), Chi phí đất trả trước (1.441 tỷ), Chi phí bồi thường đất (1.343 tỷ) , Công cụ và dụng cụ (1.541 tỷ) , Lợi thế kinh doanh từ cổ phần hóa ( 9 tỷ), Heo giống ( 43 tỷ) và Chi phí khác ( 1.159 tỷ).

– Lợi thế thương mại của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 tăng 1.711 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 50,99%). Lợi thế thương mại tăng trong năm 2022 chủ yếu do phát sinh từ hợp nhất kinh doanh khi công ty con trực tiếp The SHERPA hoàn tất mua lại 31% vốn cổ phần của Phúc Long Heritage vào ngày 28 tháng 1 năm 2022.

2.2 Phân tích nguồn vốn:
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng nguồn vốn của MSN là 141.342 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải trả là 104.706 tỷ đồng chiếm 74,08% tổng nguồn vốn của công ty. Trong đó, nợ ngắn hạn là 65.320 tỷ, chiếm 46,21% tổng nguồn vốn; nợ dài hạn là 39.385 tỷ, chiếm 27,87% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu là 36.636 tỷ đồng chiếm 25,92%.
2.2.1 Nợ phải trả:
a) Nợ ngắn hạn: Tại thời điểm 31/12/2022, Nợ ngắn hạn của MSN là 65.320 tỷ, tăng 30.773 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 89,07%). Bao gồm Các khoản phải trả người bán 7.489 tỷ, Người mua trả tiền trước ngắn hạn 566 tỷ, Chi phí phải trả 4.184 tỷ, Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 536 tỷ, Doanh thu chưa thực hiện 15 tỷ, Phải trả người lao động 248 tỷ, Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 40.567 tỷ, Dự phòng phải trả 9 tỷ, Quỹ khen thưởng, phúc lợi 31 tỷ và các khoản phải trả ngắn hạn khác 11.671 tỷ.
– Phải trả người bán ngắn hạn: giảm 480 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -6.03%).
– Chi phí phải trả ngắn hạn: giảm 812 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -16,26%).

– Người mua trả tiền trước ngắn hạn: tăng 398 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 236,73%).
– Vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính ngắn hạn: tăng 21.761 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 115,72%). Trong đó, Vay ngắn hạn là 17.047 tỷ, Vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn đến hạn trả là 27.485 tỷ. Sự tăng mạnh các khoản nợ vay được giải thích do tăng các khoản Vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn đến hạn trả.

– Phải trả ngắn hạn khác: tăng 10.158 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 671.26%), do công ty ký quỹ đầu tư ngắn hạn nhận từ bên thứ ba. Theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh, Tập đoàn cam kết cung cấp lợi tức đầu tư trên số tiền đặt cọc nhận được cho bên thứ ba theo mức được quy định trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

b/ Nợ dài hạn: của MSN tại thời điểm 31/12/2022 là 39.385 tỷ, chiếm 27,87% tổng nguồn vốn, giảm 9.823 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -19,96%). Nợ dài hạn của Công ty bao gồm Phải trả người bán dài hạn (24 tỷ), Các khoản phải dài hạn trả khác (752 tỷ), Vay và nợ thuê tài chính dài hạn (30.425 tỷ), Thuế thu nhập hoãn lại phải trả (3.541 tỷ), và Dự phòng phải trả dài hạn (4.641 tỷ).
– Phải trả người bán dài hạn: giảm 690 triệu so với năm 2021 (tương ứng -2,76%).
– Vay và nợ thuê tài chính dài hạn: giảm 8.946 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -22,72%). Nguyên nhân là do các khoản nợ dài hạn đến hạn phải trả trong 12 tháng (23.520 tỷ) đã chuyển sang nợ ngắn hạn.
Tại ngày 31/12/2022, Tổng nợ tài chính là 70.993 tỷ đồng, tăng 12.815 tỷ đồng so với mức 58.178 tỷ đồng năm 2021, chủ yếu do tăng nợ vay. Việc tăng nợ chủ yếu là để mua lại Trusting Social, Phúc Long Heritage và Nyobolt trong năm 2022 cũng như trang trải chi phí đầu tư CAPEX cao hơn.

– Phải trả dài hạn khác: tăng 524 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 230,61%), do phí ký kết hợp đồng mua hàng hoãn lại.

– Thuế thu nhập hoãn lại phải trả: tăng 326 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 10,15%).

– Dự phòng phải trả dài hạn: giảm 1.727 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -27,13%).

2.2.2. Vốn chủ sở hữu: Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của MSN là 36.636 tỷ đồng (chiếm 82,22% tổng nguồn vốn), giảm 686 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 5,56%). Trong đó, Vốn góp của chủ sở hữu là: 14.237 tỷ đồng; Lợi ích cổ đông không kiểm soát là 10.484 tỷ đồng, vốn khác của chủ sở hữu là -8.388 tỷ, chênh lệch tỉ giá hối đoái là -385 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối là 11.381, và thặng dư vốn cổ phần là 8.733 tỷ. Việc giảm vốn chủ sở hữu trong năm 2022 chủ yếu là do công ty con chi trả cổ tức và lợi nhuận thấp hơn và giao dịch thay đổi tỷ lệ sở hữu tại TCX, MML và PLH.

=> Cơ cấu tài sản tương đối ổn định, phù hợp với lĩnh vực sản xuất và bán lẻ tiêu dùng. Công ty sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nợ ròng lớn dẫn tới áp lực thanh toán cao.

3. Kết quả hoạt động SXKD:
Đơn vị: triệu đồng

– Doanh thu: Năm 2022, doanh thu của MSN đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 12.439 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương -14,04%). Trong đó, doanh thu kinh doanh sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu (Masan Consumer Holdings) là 28.103 tỷ (chiếm 35% tổng doanh thu), doanh thu kinh doanh thịt (MEATLife) là 4.785 tỷ (chiếm 6%), doanh thu kinh doanh Vật liệu công nghệ cao (Masan High-Tech Materials) là 15.550 tỷ (chiếm 20%), doanh thu Bán lẻ tiêu dùng (WinCommerce) là 29.369 tỷ (chiếm 37% tổng doanh thu).

Doanh thu của The CrownX, hay còn gọi là TCX (bao gồm Masan Consumer Holdings và Wincommerce) chiếm 74% tổng doanh thu thuần của Masan Group. Năm 2022, nền tảng bán lẻ tiêu dùng TCX đã trở thành doanh nghiệp tiêu dùng lớn nhất tại Việt Nam tính theo doanh thu với 56.221 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm doanh thu là do chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi của MML từ 1/12/2021, hiệu ứng tích trữ hàng tiêu dùng trong COVID-19 năm 2021 và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng năm 2022. Trên cơ sở so sánh tương đương, nếu không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi trong năm tài chính 2021, doanh thu thuần đạt 76.189 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng doanh thu của MSN chủ yếu đến từ Masan High-Tech Materials (MHT) trong khi doanh thu của MeatLife (MML), WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) giảm do mức tăng đột biến trong năm 2021, chủ yếu vì người tiêu dùng tăng tích trữ hàng hóa và chợ truyền thống đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đơn vị tính: tỷ đồng

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022, doanh thu thuần của MSN tăng vượt bậc do MSN đã mua lại WCM, HCS và PLH, và chuyển giao mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cốt lõi và các doanh nghiệp mới mua lại nhìn chung vẫn tăng trưởng, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
– Giá vốn hàng bán trong năm 2022 là 55.154 tỷ đồng, giảm 11.339 tỷ so với năm 2021. Trong đó, giá vốn hàng hóa đã bán và dịch vụ đã cung cấp là 55.013 tỷ đồng, cho thấy do giảm doanh thu dẫn tới giảm giá vốn tương ứng.

– Lợi nhuận gộp: Lợi nhuận gộp hợp nhất năm 2022 là 21.035 tỷ, giảm 5,0% so với năm 2021.

– Biên lợi nhuận gộp: Biên lợi nhuận gộp của Masan Group tăng 27,6% trong năm 2022 từ mức 25,0% của năm 2021. Trong các lĩnh vực kinh doanh của MSN, kinh doanh sản phẩm thương hiệu (MCH) mang lại biên lợi nhuận gộp cao nhất ( 39,9%) , theo sau đó là Chuỗi bán lẻ tiêu dùng (WCM) ( 23,2%). Lĩnh vực kinh doanh vật liệu công nghệ (MHT) ghi nhận biên lợi nhuận (15,3%) và kinh doanh thịt (MML) có mức biên lợi nhuận thấp nhất (7,2%).
– The CrownX (TCX): Lợi nhuận gộp của The CrownX tăng từ 17.513 tỷ đồng năm 2021 lên 17.565 tỷ đồng năm 2022, trong khi biên lợi nhuận thương mại tổng thể tăng 100 điểm phần trăm.
+ Lợi nhuận gộp của MCH giảm ở mức 5,9% từ 11.912 tỷ đồng năm 2021 xuống 11.214 tỷ đồng trong năm 2022. Điều này được thúc đẩy bởi doanh thu thuần giảm 2,3% và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm 150 điểm phần trăm chủ yếu do áp lực lạm phát đối với giá cả hàng hóa, nhất là vào giai đoạn cuối năm.
+ Lợi nhuận gộp của WCM tăng trưởng ở mức 10.0%, từ 6.183 tỷ đồng năm 2021 lên 6.802 tỷ đồng trong năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2022 là 23,2% so với 20,0% năm 2021, do tổng biên lợi nhuận thương mại tăng 207 điểm phần trăm so với năm ngoái.
– MeatLife (MML): Lợi nhuận gộp của MML giảm từ 2.303 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 344 tỷ đồng năm 2022, giảm 85,1% so với cùng kỳ năm trước do do mảng thức ăn chăn nuôi của MML ngừng hoạt động, công ty thực hiện giảm giá để trở nên cạnh tranh hơn với chợ bán đồ tươi sống trong phân khúc thịt heo và doanh số bán hàng B2B kết hợp cao hơn trong Q3 năm 2022. Kết quả là biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 12,2% năm 2021 xuống còn 7,2% trong năm 2022. Biên lợi nhuận gộp của mảng thịt heo tích hợp giảm từ 18,5% năm 2021 xuống 9,0%, chủ yếu do giá hàng hóa cao cũng như chiến lược giá của MML nhằm duy trì khả năng cạnh tranh với chợ thực phẩm tươi sống. Đối với mảng thịt gà, biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể từ 800 điểm phần trăm lên 4,6% vào năm 2022 so với -12,6% vào năm 2021, chủ yếu nhờ tối ưu hóa chi phí nguyên vật liệu và chi phí chuyển đổi – giảm chi phí sản xuất tính trên mỗi đơn vị nhờ sản lượng bán ra nhiều hơn.
– Masan High-Tech Materials (MHT): Lợi nhuận gộp của MHT tăng 4,7% lên 2.377 tỷ đồng trong năm 2022, so với mức 2.270 tỷ đồng vào năm 2021, chủ yếu do doanh thu bán hàng cao hơn với mức tăng trưởng 14,6% cùng kỳ năm trước bù đắp cho biên lợi nhuận gộp giảm xuống 15,3% vào năm 2022 so với 16,7% vào năm 2021.
– Chi phí bán hàng: Chi phí bán hàng trong năm 2022 tăng 6,2% lên 12.512 tỷ đồng so với mức 11.786 tỷ đồng năm 2021. Nhờ vậy, chi phí bán hàng tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu thuần trong năm 2022 tăng 16,4% so với mức 13,3% trong năm 2021. Chi phí bán hàng của WCM, tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu thuần, tăng 270 điểm phần trăm vào năm 2022 so với năm 2021, chủ yếu là do việc tối ưu hóa các hoạt động khuyến mại và chi phí bán hàng để giúp các cửa hàng mới mở được chào đón nhiều hơn trong khu vực lân cận.

– Chi phí quản lý doanh nghiệp: Chi phí quản lý doanh nghiệp trong năm 2022 giảm 5,6% xuống còn 3.854 tỷ đồng so với 4.065 tỷ đồng năm 2021. Chi phí quản lý doanh nghiệp tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu thuần tăng từ mức 4,6% trong năm 2021 lên 5,0% năm 2022.

– Doanh thu tài chính: Doanh thu hoạt động tài chính năm 2022 là 2.576 tỷ đồng, giảm 62,1% so với năm 2021, do doanh thu tài chính năm 2021 tăng đột biến, ghi nhận lãi một lần từ việc ngừng hoạt động mảng thức ăn chăn nuôi của MML.

– Chi phí tài chính: Chi phí tài chính tăng 11,5% lên 6.362 tỷ đồng trong năm 2022 so với mức 5.707 tỷ đồng năm 2021 do dư nợ tăng cũng như môi trường lãi suất cao hơn vào năm 2022.
– Lợi nhuận từ công ty liên kết: Lợi nhuận từ công ty liên kết phần lớn đến từ phần đóng góp lợi nhuận của Techcombank tương ứng với tỷ lệ phần trăm lợi ích kinh tế của Tập đoàn. Tỷ lệ lợi nhuận trong công ty liên kết tăng 11,5% lên 4.340 tỷ đồng trong năm 2022 từ mức 3.897 tỷ đồng năm 2021, do lợi nhuận cao hơn từ Techcombank trong năm 2022.
– Lợi nhuận sau thuế : Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.754 tỷ đồng, giảm 5.346 tỷ so với năm 2021, tương ứng -52,93%. Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty giảm 58,5% trong năm 2022 xuống còn 3.567 tỷ đồng so với mức 8.563 tỷ đồng năm 2021, chủ yếu do sự sụt giảm mạnh doanh thu tài chính và giảm LNST tại MML và MHT năm 2022.

4. Lưu chuyển tiền tệ


Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của MSN âm 3.788 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu giảm, hàng tồn kho và các khoản phải thu tăng. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm 26.447 tỷ đồng, do công ty đầu tư vốn vào các công ty liên doanh, liên kết. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 21.796 tỷ đồng, chủ yếu do đi vay nhiều dẫn tới lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 8.439 tỷ đồng, qua đó khiến tiền và tương đương tiền cuối kỳ còn 13.853 tỷ đồng.

6. Tiềm năng phát triển trong năm 2023
6.1. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Masan Group
– Năm 2023, Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất sẽ đạt từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18% và 31% so với mức 76.189 tỷ đồng vào năm 2022.
– Lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho Cổ đông dự kiến nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng vào năm 2022.
– WCM dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 – 40.500 tỷ đồng trong năm tài chính 2023, tăng 23% – 38% so với năm trước.
– Doanh thu thuần của MCH dự kiến đạt từ 30.500 – 33.500 tỷ đồng trong năm 2023.
– MML kỳ vọng đạt doanh thu thuần từ 8.500 – 9.000 tỷ đồng.
– MHT dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần từ 16.500 – 18.200 tỷ đồng, tăng 6 – 17%.
– Masan sẽ ưu tiên giảm tỷ lệ nợ và xác định các phương án để giảm chi phí tài chính trong năm 2023.
6.2. Tình hình doanh nghiệp trong 3 quý đầu năm tài chính 2023
a/ Về kết quả kinh doanh
– Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt 57.470 tỷ đồng, tăng 3,5% so với 9 tháng đầu năm 2022.
– Doanh thu tài chính là 421 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí tài chính vẫn ở mức cao và tăng mạnh 43% so với cùng kỳ, ghi nhận mức tăng 2.386 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay, trái phiếu và hoạt động đầu tư.
– Lợi nhuận sau thuế: LNST hợp nhất 9 tháng đầu năm 2023 là 1.353 tỷ đồng, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2022 trên cơ sở báo cáo. LNST của mảng kinh doanh cốt lõi đạt mức 1.872 tỷ đồng, tương ứng giảm 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân LNST hợp nhất giảm đến từ việc chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động của mảng kinh doanh vật liệu công nghệ cao và ngân hàng Techcombank và chi phí tài chính tăng cao.
• Về từng mảng kinh doanh:

WinCommerce (WCM): Doanh thu thuần đạt 22.401 tỷ, tăng 2,1% trong 9 tháng đầu 2023 nhờ mở cửa hàng mới. Mặc dù tâm lý người tiêu dùng phục hồi chậm và số lượng của hàng mới mở ít hơn, WCM vẫn đạt biên EBIT hoà vốn trong quý 3/2023 và trên đà gặt hái lợi nhuận trong thời gian tới.

Masan Consumer (MCH): Doanh thu thuần là 20.376 tỷ đồng, tăng 3,5% trong 9 tháng đầu năm. Các ngành hàng chính như gia vị, thực phẩm tiện lợi, HPC (Sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình) đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Tăng trưởng vượt trội của biên lợi nhuận gộp là thành quả của việc có mức giá bán cao được củng cố bởi thương hiệu mạnh, danh mục sản phẩm có biên lợi nhuận cao, khả năng đảm bảo chi phí nguyên vật liệu thấp, và kế hoạch cung cầu được tối ưu hóa để cải thiện chi phí chuyển đổi sản xuất.

Masan Meatlife (MML): Doanh thu tăng mạnh 61% trong 9 tháng đầu năm và 47,5% trong quý 3 nhờ doanh số tăng mạnh hơn ở hầu hết các sản phẩm, đặc biệt là thịt chế biến. Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này đến từ giá lợn hơi, giá gà thịt cao hơn trong quý 3/2023 so với nửa đầu năm 2023.
Cũng trong quý này, mảng lợn trang trại ghi nhận biên lợi nhuận gộp là 30,8% (so với 11,6% trong nửa đầu năm 2023) và gà trang trại đạt biên lợi nhuận gộp là 14,4% (so với -17,1% trong nửa đầu năm 2023).
Đối với mảng thịt chế biến, doanh thu tăng 35,9% lên 1.714 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, chủ yếu nhờ sản lượng tăng.
Đối với mảng thịt lợn mát có thương hiệu, Masan MEATLife đã thành công thu hẹp khoảng cách giá với chợ truyền thống thông qua chương trình giá độc quyền cho hội viên WIN, giúp doanh thu theo ngày của các sản phẩm Masan MEATLife tại các cửa hàng của WinCommerce tăng thêm 30%.

Phuc Long Heritage (PLH): Doanh thu thuần của PLH quý 3 giảm 16,5% (so với cùng kỳ), nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bên ngoài và doanh thu PLH từ các Kiot bên trong WCM giảm mạnh.

Masan Hi-tech Materials (MHT): Tiếp tục khó khăn khi doanh thu giảm 6,4% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ do nhu cầu khách hàng suy yếu, giá đầu ra thấp hơn trong môi trường vĩ mô đầy thách thức.

b/ Về tình hình tài chính
– Tổng tài sản:
Cơ cấu tài sản của MSN không có nhiều thay đổi so với các quý trước. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn (chủ yếu là đầu tư vào các công ty liên kết) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản với 23,64%, ghi nhận 34.299,74 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng giữ lượng tiền và tiền gửi ngân hàng lớn với hơn 14 nghìn tỷ, tỷ lệ Tiền/Tổng tài sản ở mức an toàn 9,8%.
– Tổng nguồn vốn:
Nợ phải trả chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn vốn của MSN: Nợ phải trả của MSN là 106.999 tỷ, trong đó, nợ ngắn hạn là 54.028 tỷ; nợ dài hạn là 52.970 tỷ. Tỷ lệ Nợ vay/Tổng nguồn vốn cũng ở mức khá cao 47,3%, nợ vay dài hạn chiếm phần hơn với 42.922 tỷ, nợ ngắn hạn là 25.692 nghìn tỷ. Việc giữ tỷ lệ nợ vay cao khiến cho MSN phải chịu áp lực lãi vay lớn và ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
c/ Triển vọng phát triển trong thời gian tới
– WinCommerce (WCM) sẽ nâng cao năng suất bán hàng, cải thiện mức tăng trưởng LFL để đạt mức doanh thu trên mỗi cửa hàng về mức của quý 4/2022 và đặt mục tiêu đạt EBIT dương trong quý 4/2023.
– MCH tiếp tục tập trung cải tiến, đổi mới cho sản phẩm đồ uống, HPC và thực phẩm tiện lợi để thúc đẩy tăng trưởng trong quý 4/2023, đóng vai trò là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024.
– Phúc Long Heritage (PLH) đặt mục tiêu mở mới 11 cửa hàng trong quý 4/2023 và cải thiện doanh số trên mỗi cửa hàng về mức tương tự trong quý 4/2022.
– Masan MEATLife (MML) kỳ vọng cải thiện doanh số bán hàng hàng ngày tại mỗi điểm bán WCM từ 1,6 triệu đồng lên 2 triệu đồng bằng cách tập trung vào chiến lược giá linh hoạt để cải thiện doanh số các mặt hàng bán chậm, lập kế hoạch tích hợp với WCM để phân phối đúng chủng loại sản phẩm đến đúng cửa hàng.

– Bên cạnh đó, MML sẽ tiếp tục nâng cao trải nghiệm thương hiệu – là điểm đến mua thịt tại các điểm bán của WCM bằng cách triển khai các quầy Meat Corner tại một số địa điểm, giúp nâng cao khả năng hiển thị và trải nghiệm khách hàng cho các sản phẩm MEATDeli.
– Trong khi đó, Masan High-Tech Materials (MHT) đặt mục tiêu tăng sản lượng bán ra với động thái chủ động xây dựng sổ nhu cầu khách hàng khi nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục và sẽ bán bớt lượng đồng tồn kho (đặt mục tiêu bán 18.000 dmt trong quý 4/2023).
● Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Masan đã thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Khoản đầu tư vốn cổ phần của Bain Capital vào Masan Group có thể tăng lên 500 triệu USD. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính và giảm áp lực thanh toán.
● Masan đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn vào năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức trái phiếu đáo hạn chỉ rơi vào mức ~6.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền hiện tại của Công ty.

ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ MASAN GROUP
● Cơ cấu tài sản duy trì ổn định, chiếm tỉ trọng lớn là các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên kết, liên doanh.
● Cơ cấu nguồn vốn rủi ro khi tỉ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, công ty gánh khoản nợ lớn.
● Kết quả kinh doanh dù giảm so với năm 2021 do mảng sản xuất chế biến thịt giảm, các mảng kinh doanh khác vẫn duy trì ổn định, có nhiều tiềm năng phát triển kinh doanh trong thời gian tới.