CÔNG TY CỔ PHẦN SỮA VIỆT NAM (HOSE: VNM)
I. GIỚI THIỆU CHUNG
1. Thông tin chung
● Tên đầy đủ: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
● Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 4103001932 do Phòng Đăng ký Kinh doanh – Sở Kế Hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 20/11/2003, lần đăng ký thay đổi gần nhất 6/12/2022.
● Vốn đầu tư của chủ sở hữu: 32.816.518.355.085 (Ba mươi hai nghìn tám trăm mười sáu tỷ, năm trăm mười tám triệu ba trăm năm mươi lăm nghìn không trăm tám mươi lăm đồng) tính đến hết ngày 31/12/2022
● Điện thoại: (+84 28) 54 155 555 – Fax: (+84 28) 54 161 226
● Email: vinamilk@vinamilk.com.vn
● Website: www.vinamilk.com.vn
● Mã cổ phiếu: VNM
2. Quá trình hình thành và phát triển
Năm 1976, Vinamilk được thành lập với tên gọi Công ty Sữa – Cà Phê Miền Nam và tiếp quản 3 nhà máy sữa Thống Nhất, nhà máy sữa Trường Thọ và nhà máy sữa bột Dielac.
Năm 2003, cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Sữa Việt Nam. Năm 2006, niêm yết trên sàn HOSE. Năm 2019, tham gia điều hành CTCP Sữa Mộc Châu với 75% cổ phần nắm giữ tại CTCP GTNFoods.
Tính đến 2022, Vinamilk đang vận hành hệ thống 15 trang trại và 16 nhà máy tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Hoa Kỳ. Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, ra mắt và khởi công dự án tổ hợp thiên đường sữa Mộc Châu.

3. Lĩnh vực kinh doanh
Nguồn nguyên liệu đầu vào của Vinamilk bao gồm: sữa bột nguyên liệu, cùng vỏ hộp và bao bì giấy. Các nguồn nguyên liệu này được nhập khẩu từ các nước Mỹ, New Zealand, Châu Âu và thu mua từ các hộ nông dân nông trại nuôi bò trong nước.

Hiện tại, Vinamilk đang quản lý 80 Trạm thu mua sữa tươi nguyên liệu trên phạm vi cả nước và hợp tác với các hộ nông dân quản lý đàn bò hơn 110.000 con để thu mua hơn 500 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu cung cấp cho nhà máy của Vinamilk 2022 đạt gần 355.000 tấn (giảm hơn 11% so với năm 2021). Nhà máy sữa Việt Nam được xây dựng tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bình Dương) với công suất gần 400 triệu lít sữa/ năm trong giai đoạn 1. Và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/ năm trong giai đoạn 2.
Sữa bột và sữa nước là hai sản phẩm chủ lực có đóng góp doanh thu nội địa cao nhất với thị phần lần lượt là 40% và 22%. Theo sau đó mảng sữa chua Vinamilk chiếm hơn 66% thị phần sữa chua Việt Nam góp phần đóng góp 16% vào cơ cấu doanh thu của Vinamilk.

Vinamilk hiện có 250 SKUs trong danh mục sản phẩm với 04 ngành hàng chính gồm Sữa nước, Sữa chua, Sữa đặc và Sữa công thức với mạng lưới phân phối rộng khắp trên cả nước bao gồm:
– Hệ thống các đối tác phân phối General Trade
– Các chuỗi hệ thống siêu thị trên toàn quốc, Hệ thống Cửa hàng Giới thiệu và bán sản phẩm Vinamilk, Phân phối trực tiếp đến các khách hàng là các xí nghiệp, trường học, khu vui chơi giải trí
Các sản phẩm của Vinamilk được xuất khẩu tới hơn 57 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc, … Các mặt hàng xuất khẩu gồm: sữa bột trẻ em, bột dinh dưỡng, sữa đặc, sữa nước, nước giải khát, sữa đậu nành, sữa chua.

4. Các công ty con và công ty liên kết
VNM có 4 Công ty con với tỷ lệ sở hữu 100% là: 2 công ty trong nước là Công ty TNHH Một Thành viên Bò Sữa Việt Nam và Công ty TNHH Một Thành viên Bò Sữa Thống Nhất Thanh Hóa, 2 Công ty nước ngoài là: Driftwood Dairy Holdings Corporation và Angkor Dairy Products. Một số công ty liên kết của Vinamilk có thể kể đến: CTCP APIS tỷ lệ sở hữu 20%, CTCP Chế biến dừa Á Châu với tỷ lệ sở hữu 24.96%, Miraka Holdings Limited với tỷ lệ sở hữu 16.96%.

5. Cơ cấu cổ đông
Trong cơ cấu cổ đông của Vinamilk, nhóm cổ đông nước ngoài chiếm 54.41%, theo sau đó là cổ đông nhà nước với 36% cơ cấu vốn điều lệ đến từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước – Công ty TNHH (SCIC). Vinamilk còn hai cổ đông lớn khác gồm nhóm F&N Dairy Investments Ple Ltd (Singapore) sở hữu 10.62% cổ phần và quỹ Platinum Victory Pte Ltd (Singapore) nắm giữ 10,62%. Ban lãnh đạo nắm giữa 0.34%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.

6. Ban lãnh đạo
Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Nguyễn Hạnh Phúc đảm nhiệm từ tháng 4/2022 cùng với 9 thành viên HĐQT.

II. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY
1. Bảng cân đối kế toán

1.1 Về tài sản
Tổng tài sản của doanh nghiệp thời điểm 31/12/2022 là 48483 tỷ đồng, giảm 4849 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng giảm 9%). Trong đó Tài sản ngắn hạn là 31560 tỷ đồng, chiếm tới 65% và tài sản dài hạn là 16922 tỷ đồng chiếm 35%.

1.1.2. Tài sản ngắn hạn
Thời điểm 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của Công ty giảm 4550 tỷ đồng (tương ứng giảm 12,6%) so với năm 2021. Cơ cấu tài sản ngắn hạn gồm:

– Tiền và các khoản tương đương tiền: tại thời điểm 31/12/2022 là: 2299 tỷ đồng, chiếm 4,74% tổng tài sản và giảm 49 tỷ, tương đương 2,09% so với năm 2021.

– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: tại thời điểm 31/12/2022 là 17414 tỷ đồng, chiếm 35,92% tổng tài sản, giảm 3612 tỷ so với năm 2021 (tương ứng mức giảm 17,18%), hầu hết đến từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

– Các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2022 của Công ty là 6100 tỷ đồng chiếm 12,58% tổng tài sản; tăng 278 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 4,77%), bao gồm: các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 4634 tỷ, trả trước người bán 589 tỷ, các khoản phải thu ngắn hạn khác 890 tỷ, và các khoản dự phòng (-13) tỷ.

+ Phải thu ngắn hạn của khách hàng: tăng 266 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 6%).
+ Trả trước cho người bán ngắn hạn: giảm 67 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 10,21%).
+ Các khoản phải thu ngắn hạn khác: tăng 79 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 9,74%), trong đó lãi tiền gửi và cổ tức là 457 tỷ đồng chiếm 51% tổng phải thu ngắn hạn khác)

+ Hàng tồn kho của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 5560 tỷ đồng, chiếm 11,42% tổng tài sản của Công ty, giảm 1235 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 18%).
Hàng tồn kho chủ yếu tập trung ở dạng nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng mua đang đi đường. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cùng với đó nhu cầu tiêu thụ có xu hướng chậm lại khiến quy mô hàng tồn kho sụt giảm.

1.1.2. Tài sản dài hạn
Tài sản dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 16922 tỷ đồng, chiếm 24,55% tổng tài sản Công ty, giảm 1235 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 18,24%). Trong đó: Tài sản cố định hữu hình là 10860 tỷ đồng (chiếm 22,4% tổng tài sản), tài sản cố định vô hình là 1043 tỷ (chiếm 2,15% tổng tài sản), bất động sản đầu tư là 58 tỷ (chiếm 0,12% tổng tài sản), tài sản dở dang dài hạn là 1805 tỷ ( chiếm 3,72% tổng tài sản), đầu tư tài chính dài hạn là 743 tỷ (chiếm 1,53% tổng tài sản), tài sản dài hạn khác là 2375 tỷ ( chiếm 4,9% tổng tài sản).

– Tài sản cố định hữu hình của Công ty giảm 804 tỷ so với năm 2021 (tương đương 6,33%), chủ yếu là máy móc và thiết bị (6096 tỷ).

– Tài sản cố định vô hình của VNM giảm 44 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 4,05%).

– Tài sản dở dang dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 tăng 675 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 59,73%). Xây dựng cơ bản dở dang tăng 636 tỷ (tương ứng 76,17%).
Trong năm 2022, Vinamilk đã thực hiện khá nhiều dự án xây dựng và cải tạo, đó là nâng cấp trang trại bò sữa Mộc Châu thành thiên đường sữa Mộc Châu nhằm tăng quy mô trang trại lên 2000 bò sữa, xây dựng nhà máy sữa Hưng Yên, mở thêm 40 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt, khởi công xây dựng trang trại Lao – Jargo và lắp đặt, triển khai hệ thống điện áp mái tại các trang trại và nhà máy.

– Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 giảm 1 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 0,13%). Đây là các khoản đầu tư vào Công ty Mikara Limited (287 tỷ đồng), Công ty Cổ phần APIS (39 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu (150 tỷ đồng), Công ty Del Monte (594 triệu đồng), Công ty liên kết sở hữu gián tiếp thông qua Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (186 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Nguyên liệu Thực phẩm Á Châu Sài Gòn (69 tỷ đồng), Nhà thuốc – Phòng khám đa khoa An Khang (300 triệu đồng), các đơn vị khác (32 tỷ đồng).

– Tài sản dài hạn khác của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 giảm 190 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 7,41%).

Lợi thế thương mại của VNM chiếm phần lớn trong khoản mục này, đạt 1567 tỷ đồng và giảm hơn 246 tỷ đồng so với năm trước (tương ứng giảm 14%).

1.2. Phân tích nguồn vốn:
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng nguồn vốn của Vinamilk là 48483 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải trả là 15666 tỷ đồng chiếm 32,31% tổng nguồn vốn của Vinamilk; Vốn chủ sở hữu là 32817 tỷ đồng chiếm 67,69%.

1.2.1 Nợ phải trả:

a/ Nợ ngắn hạn:

Tại thời điểm 31/12/2022, Nợ ngắn hạn của Vinamilk là 15308 tỷ, giảm 1760 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 10,31%). Bao gồm phải trả người bán ngắn hạn 4284 tỷ, người mua trả tiền trước 161 tỷ, Thuế phải nộp nhà nước 598 tỷ, phải trả người lao động 287 tỷ, chi phí phải trả 1620 tỷ, phải trả ngắn hạn khác 3055 tỷ, vay ngắn hạn 4867 tỷ và quỹ khen thưởng phúc lợi 402 tỷ.

– Phải trả người bán ngắn hạn là các công ty liên kết: tăng 70 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 1,66%). Trong đó, phải trả Miraka Holdings là 133 tỷ đồng, Công ty cổ phần APIS là 84 tỷ đồng, Công ty Chế biến Dừa Á Châu 2 tỷ đồng và Công ty Nguyên liệu Thực phẩm Á Châu Sài gòn là 388 triệu đồng.

– Phải trả ngắn hạn khác: tăng 2942 tỷ (tương ứng 2580,7%), chủ yếu do doanh nghiệp chi trả cổ tức cho cổ đông.

– Vay ngắn hạn: giảm 4515 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 48,12%).
Trong năm 2022, VNM đã hoàn trả hơn 3558 tỷ đồng cho Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ và hơn 1841 tỷ USD cho Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui.

– Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp: giảm 19 tỷ (tương ứng 4,35%).

– Chi phí phải trả giảm 196 tỷ (tương ứng 10,79%)

– Người mua trả tiền trước: tăng 96 tỷ (tương ứng 145,45%).
– Phải trả người lao động: giảm 17 tỷ (tương ứng 5,57%)
– Quỹ khen thưởng phúc lợi: giảm 105 tỷ đồng, tương ứng 20,71%.

b/ Nợ dài hạn: của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 358 tỷ đồng, chiếm 0,74% tổng nguồn vốn. Giảm 56 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 13,57%). Nợ dài hạn của Công ty chủ yếu là thuế thu nhập hoãn lại.

1.2.1 Vốn chủ sở hữu:
Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Vinamilk là 32816 tỷ đồng (chiếm 68% tổng nguồn vốn), giảm 3033 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 8,46%). Trong đó: Vốn đầu tư của chủ sở hữu là: 20900 tỷ đồng; phần còn lại 11917 tỷ đồng là phần lợi nhuận chưa phân phối, các quỹ đầu tư phát triển, …

Vốn chủ sở hữu của Vinamilk giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm 55,84% do doanh nghiệp thực hiện chi trả cổ tức dựa trên kết quả kinh doanh.

Qua bảng cân đối kế toán của Vinamilk ta thấy, Tài sản của doanh nghiệp là những tài sản có chất lượng, với nguồn tiền lớn hỗ trợ cho các dự án đầu tư trong tương lai. Nguồn vốn của VNM chủ yếu là vốn chủ sở hữu, giúp doanh nghiệp tự chủ được tài chính, tuy nợ ngắn hạn lớn nhưng tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao cũng được doanh nghiệp duy trì ổn định.

2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Đơn vị: triệu đồng
Năm 2022, doanh thu của VNM đạt 60075 tỷ đồng, giảm 937 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 1,54%) do ảnh hưởng của thị trường chung suy giảm, tuy nhiên vẫn duy trì mức doanh thu cao so với trước dịch Covid-19.

Doanh thu từ bán thành phẩm trị giá 56583 tỷ đồng, chiếm 94.19% tổng doanh thu và doanh thu từ bán hàng hóa trị giá 3218 tỷ đồng, chiếm 5,36% tổng doanh thu.

Doanh thu từ thị trường nội địa là 50704 tỷ đồng, chiếm đến 84,4% tổng doanh thu, còn lại đến từ thị trường xuất khẩu.

Về thị trường nội địa, Điểm sáng tăng trưởng trong năm 2022 đến từ các cửa hàng Giấc mơ Sữa Việt với doanh thu tăng trưởng trên 20% nhờ gần 40 cửa hàng mở mới và kênh Khách hàng đặc biệt với doanh thu tăng trưởng trên 10% nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, dịch vụ.
Tính đến năm 2022, thị trường xuất khẩu lũy kế bao gồm 57 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu thuần của Thị trường Nước ngoài đạt 9252 tỷ đồng, trong đó Các chi nhánh nước ngoài đạt 4424 tỷ đồng và Xuất khẩu đạt 4828 tỷ đồng. Các chi nhánh nước ngoài là đầu tàu tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh quốc tế của Vinamilk trong năm 2022. Đối với Driftwood, doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng trên 30% nhờ đa dạng hóa kênh phân phối để bù đắp cho kênh chủ lực trường học vẫn chưa phục hồi bằng mức trước Covid-19. Ngoài ra, Driftwood duy trì được việc đưa một số sản phẩm của Vinamilk vào thị trường Mỹ. Đối với Angkormilk, doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng trên 10% nhờ phát triển thêm sản phẩm mới và tăng cường hoạt động phân phối.

Giá vốn hàng bán đạt 36630 tỷ đồng, tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tăng 4.72% thành phẩm đã bán và 11.84% hàng hóa đã bán so với 2021.

Biên lợi nhuận gộp năm 2022 tiếp tục giảm do doanh thu giảm do thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô bất lợi, đồng thời giá vốn hàng bán lại tăng lên mạnh.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VNM là 8578 tỷ đồng, giảm 2055 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng 19,33%).

=> Doanh thu năm 2022 của VNM chỉ giảm nhẹ, biên lợi nhuận có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Hoạt động tài chính bị ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá hối đoái. Vinamilk vẫn duy trì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp ổn định để đảm bảo không tác động nhiều đến lợi nhuận ròng.

3. Các chỉ tiêu tài chính

III. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Vinamilk ghi nhận 29,166 nghìn tỷ đồng, tăng 267 tỷ đồng (tương ứng 1.7%) so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ bán thành phẩm với các sản phẩm chủ lực như sữa hộp, sữa bột.

Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 4135 nghìn tỷ đồng, giảm 250 tỷ đồng (tương đương 6,04%) so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2023 đạt lần lượt 46% và 47,96% kế hoạch. Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận Quý 2 ghi nhận con số khá tích cực so với quý trước đó nhưng do mức giảm sâu của Quý 1 khiến cho kết quả kinh doanh 6 tháng năm nay rơi vào mức thấp hơn kỳ vọng.

Trong nửa đầu năm, doanh thu nội địa của VNM đạt 24.279 tỷ đồng (+1% so với cùng kỳ). Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh nghiệp đã giành lại được thị phần trong 6 tháng đầu năm 2023 và kỳ vọng thị phần chung sẽ trở về mức trước giai đoạn Covid trong năm nay nhờ chiến lược tái định vị thương hiệu.

Tiềm năng trung và dài hạn cho Vinamilk và ngành sữa Việt Nam

1. Giá nguyên vật liệu hạ nhiệt
Mặc dù giá bột sữa đang giảm, cụ thể giá sữa bột nguyên kem và sữa bột gầy đã có sự sụt giảm lần lượt giảm 28% và 36% so với cùng kỳ và trở lại mức nền thấp tương đương 2021 nhưng chi phí của các nguyên liệu khác đang tăng theo môi trường lạm phát. Hàng tồn kho được sử dụng trong quý 1 năm 2023 được mua ở mức giá cao năm ngoái, tuy nhiên đến quý 2 chi phí đã được giảm theo thị trường, từ đó cải thiện đáng kể lợi nhuận sau thuế cho VNM trong 6 tháng đầu năm.

2. Vị thế đứng đầu ngành sữa
Vinamilk xác định tầm nhìn chiến lược dài hạn để định hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh là tiếp tục duy trì vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam và tiến tới mục tiêu trở thành 1 trong Top 30 Công ty Sữa lớn nhất thế giới về doanh thu.

Tính đến ngày 30/6, Công ty đang vận hành 654 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt, tăng 8 cửa hàng so với đầu năm.

Ngoài ra, hết quý 3 năm nay, chi nhánh nước ngoài Angkor Milk tại Campuchia tiếp tục tăng trưởng gần 10% và chi nhánh Driftwood tại Hoa Kỳ duy trì ở mức nền cao của cùng kỳ.

Research and Markets dự báo nhu cầu tiêu thụ sữa của người Việt Nam năm 2023 sẽ đạt khoảng 28 lít/người/năm, tăng 8% so với năm 2022, cao hơn mức tiêu thụ trung bình khu vực Đông Nam Á là 10 lít/người/năm. Như vậy về dài hạn, thị trường sữa Việt Nam chưa thể coi là bão hòa khi thu nhập bình quân đầu người và dân số tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, cùng với đó là sự nâng cao ý thức về dinh dưỡng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ và giới trẻ.
3. Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận từ thị trường nhập khẩu
Thị trường xuất khẩu vẫn đang được kỳ vọng đem đến sự tăng trưởng doanh thu cho VNM.

VNM hiện đang chiếm thị phần lớn nhất trong ngành công nghiệp sữa của Iraq. Sự phục hồi kinh tế dự kiến của quốc gia này năm 2024, cùng với lệnh bãi bỏ mức thuế nhập khẩu 40% đối với các loại sản phẩm sữa, tạo kỳ vọng xuất khẩu sữa sang quốc gia này sẽ cải thiện đáng kể.
Vinamilk tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các chi nhánh nước ngoài như Driftwood (Mỹ), Lao-Jagro Development (Lào), Angkormilk (Campuchia) và Del Monte-Vinamilk (Philippines). Đến quý 3, AngkorMilk tiếp tục tăng trưởng gần 10% và Driftwood duy trì ở mức nền cao của cùng kỳ. Bên cạnh đó, Vinamilk hợp tác với 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu – phân phối sữa và nông sản tại Trung Quốc, để đưa sản phẩm sữa chua Vinamilk vào thị trường tỷ dân này.

ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ VINAMILK
– Tình hình tài chính lành mạnh, duy trì doanh thu và lợi nhuận ổn định trong điều kiện thị trường chung đang suy thoái và nhu cầu giảm sút.
– Doanh thu thị trường nước ngoài của Vinamilk vẫn tăng trưởng ổn định, đặc biệt là Angkormilk và Driftwood.
– Khi thị trường nội địa đang chững lại trong ngắn hạn, Vinamilk tập trung nguồn lực vào thị trường xuất khẩu, bên cạnh đó kỳ vọng thị trường Iraq hồi phục có thể giúp Vinamilk tăng trưởng doanh thu.