PHÂN TÍCH TỔNG CTCP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ VIETTEL
1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VGI
1.1. Thông tin chung
● Tên đầy đủ: Tổng Công ty cổ phần Đầu Tư Quốc Tế Viettel
● Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0102409426 do sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 24/10/2007 và cấp thay đổi lần thứ 25 ngày 20/09/2022.
● Vốn đầu tư của chủ sở hữu: 30.438.112 triệu đồng tính đến ngày 31/12/2022
● Điện thoại: 84-24-62626868
● Email: ir@vincom.com.vn
● Website: www.viettelglobal.vn
● Mã cổ phiếu: VGI
1.2. Quá trình hình thành và phát triển
Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) được thành lập vào ngày 24/10/2007 với tên gọi ban đầu là Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel. Ngày 25/9/2018, công ty được niêm yết trên sàn UPCOM với mã cổ phiếu VGI.
Tính đến hết năm 2022, VGI đã đầu tư dịch vụ viễn thông vào 10 đất nước ở Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh.

1.3. Lĩnh vực hoạt động
VGI hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông di động (gọi thoại, 3G, 4G, 5G) trên 9 thị trường quốc tế ở các nước Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh. VGI còn cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, dịch vụ xổ số trên ví, dịch vụ số, CNTT.
Hoạt động chính của Tổng Công ty và các công ty con là đầu tư và vận hành các mạng viễn thông ở nước ngoài và cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin có liên quan.
1.4. Các công ty con và công ty liên kết
Tính đến tháng 12/2022, VGI có 11 công ty con và 3 công ty liên kết, liên doanh để vận hành hoạt động tại các thị trường.

1.5. Cơ cấu cổ đông
Về cơ cấu cổ đông, tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn Viettel là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu hơn 99%.

QUÁ TRÌNH TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ
– Tháng 10/2007: Viettel Global thành lập. Vốn điều lệ là 960 tỷ đồng.
– Năm 2009: Vốn điều lệ tăng lên thành 3,000 tỷ đồng.
– Năm 2011: Vốn điều lệ tăng lên thành 6,219 tỷ đồng.
– Năm 2013: Vốn điều lệ tăng lên thành 12,438 tỷ đồng.
– Năm 2015: Vốn điều lệ tăng lên thành 14,438 tỷ đồng.
– Năm 2016: Vốn điều lệ tăng lên thành 22,438 tỷ đồng.
– Ngày 25/09/2018: Là ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 15,000 đ/CP.
– Ngày 30/10/2018: Tăng vốn điều lệ lên 30,438,112,000,000 đồng.

QUÁ TRÌNH TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ

1.6 Ban lãnh đạo
Công ty được dẫn dắt bởi bà Nguyễn Thị Hải Lý – chủ tịch HĐQT, ông Phùng Văn Cường – Tổng Giám đốc cùng với 5 thành viên khác trong Hội đồng Quản trị.

2. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY
2.1. Bảng cân đối kế toán
Đơn vị: VND

2.1.1. Tài sản
Tổng tài sản của doanh nghiệp thời điểm 31/12/2022 là 50.303 tỷ đồng, giảm 2.548 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng giảm 4,82%). Trong đó Tài sản ngắn hạn là 34.453 tỷ đồng, chiếm tới 68,49% và tài sản dài hạn là 15.850 tỷ đồng chiếm 31,51%.
a/ Đánh giá tài sản ngắn hạn
Thời điểm 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của Công ty tăng 5.383 tỷ đồng (tương ứng tăng 18,52%) so với năm 2021. Cơ cấu tài sản ngắn hạn gồm:
– Tiền và các khoản tương đương tiền: tại thời điểm 31/12/2022 là 7.864 tỷ đồng, chiếm 15,63% tổng tài sản và tăng 1.703 tỷ, tương đương 27,64% so với năm 2021.

Trong đó, chiếm nhiều nhất là tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng trị giá 7.242 tỷ đồng, tăng gần 38% so với thời điểm đầu năm.
– Đầu tư tài chính: tính đến hết năm 2022 là 9.038 tỷ đồng, chiếm 17,97% tổng tài sản, tăng 2.602 tỷ, tương đương 40,44% so với năm 2021. Tất cả đều là khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng.

– Các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2022 của Công ty là 14.571 tỷ đồng chiếm 28,97 % tổng tài sản; tăng 664 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 4,78%)
Danh mục bao gồm: các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 7.133 tỷ (chiếm 14,18% tổng tài sản), trả trước người bán 537 tỷ (chiếm 1,07%), khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 11.161 tỷ (chiếm 22,19% tổng tài sản), các khoản phải thu ngắn hạn khác 5.137 tỷ (chiếm 10,21%) và các khoản dự phòng (-9.396) tỷ.
+ Phải thu ngắn hạn của khách hàng: tăng 1.102 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 18,29%).

Phải thu của khách hàng chủ yếu đến từ 2 công ty con (Viettel Cameroon S.A.R.L, Viettel Peru S.A.C), 2 công ty liên kết (Telecom International Myanmar Co., Star Telecom Co.) và các đối tượng khác.
Trong đó, đáng chú ý nhất là khoản phải thu khách hàng tại Viettel Cameron là 4.147 tỷ, chiếm đến 58% tổng danh mục. Đặc biệt khi mà trong 5 năm liên tiếp 2018-2022, VGI không thể hợp nhất số liệu tài chính của Viettel Cameroon trên báo cáo tài chính hợp nhất. Lý do là bởi có bất đồng giữa cổ đông VGI và cổ đông sở tại về việc tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty Viettel Cameroon, nên Công ty VCR chưa cung cấp được số liệu tài chính từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/12/2022. Vì thế nên theo các kiểm toán viên, có ít cơ sở để đánh giá khả năng VGI có thể thu hồi tất cả các khoản nợ phải thu đối với đối tượng này.
+ Trả trước cho người bán ngắn hạn: tăng 142 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 36,05%).
+ Phải thu về cho vay ngắn hạn: tăng 2.559 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 29,76%).

Khoản này bao gồm 7.566 tỷ phải thu về cho vay từ Telecom International Myanmar Co. và 3.594 tỷ từ Viettel Cameron. Đây là các khoản VGI cho 2 công ty liên kết vay để thực hiện các dự án viễn thông tại 2 nước theo giấy phép đầu tư viễn thông tại nước sở tại.
Trong năm 2022, khoản nợ của cả 2 công ty có xu hướng tăng. Với Mytel, mặc dù kết quả kinh doanh tăng đến 23% so với năm trước, rủi ro chính trị khiến cho Mytel không thể chuyển tiền về Việt Nam để trả nợ cho Viettel Global. Với Viettel Cameroon, việc bất đồng giữa VGI và công ty tại nước sở tại dẫn đến việc không thể cung cấp số liệu tài chính chính xác cho nên các kiểm toán viên không ghi nhận sự khấu trừ nào trong khoản nợ này.
+ Phải thu ngắn hạn khác: tăng 891 tỷ so với năm trước (tương ứng 20,99%).

Các khoản tiền chủ yếu xoay quanh lãi vay, lãi phạt, thu hộ liên quan đến 2 công ty Mytel và Viettel Cameroon. Trong đó, khoản tiền lớn nhất trong danh mục khoản phải thu khác là khoản dự thu lãi cho vay từ Công ty Mytel và Viettel Cameron tăng lên 2.239 tỷ và phải thu lãi phạt từ Viettel Cameroon là 1200 tỷ (do quá hạn thanh toán hàng hóa, vật tư thiết bị)…..
+ Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi: tăng 4.032 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 75,15%).

Theo báo cáo, Viettel Global ước tính chỉ có thể thu hồi được 33,6% giá trị các khoản phải thu, tương đương 4.767 tỷ đồng. Các khoản nợ xấu của doanh nghiệp chủ yếu đến từ Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L, Công ty TNHH Telecom International Myanmar.
Trong đó, việc tăng trích lập dự phòng cho Công ty Mytel chủ yếu là vì tháng 10/2022, Myanmar bị đưa vào diện tăng cường kiểm soát vì không ngăn chặn được các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố mặc dù hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt.
Mặt khác, với Viettel Cameroon, công ty xác định giá trị chỉ có thể thu hồi 1.318 tỷ đồng trong 4.143 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn. Ngoài ra, còn có khoản phải thu cho vay 3.595 tỷ đồng với giá trị có thể thu hồi chỉ 331 tỷ đồng, khiến nợ xấu từ mục này lên tới 3.263 tỷ. Việc trích lập khoản phải thu cho Viettel Cameroon đã diễn ra từ năm 2018, do công ty tại nước sở tại chưa cung cấp số liệu tài chính do bất đồng giữa các cổ đông tại VGI và Cameroon. Việc trích lập dự phòng gần như toàn bộ khoản phải thu từ một đối tác trong 1 thời gian dài chứng tỏ VGI không quá chắc chắn về khả năng thu hồi món nợ nghìn tỷ này.
– Hàng tồn kho của Công ty tại thời điểm 31/12/2023 là 2.255 tỷ đồng, chiếm 4,48% tổng tài sản, tăng 436 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 23,95%). Trong đó, 421 tỷ là hàng mua đang đi đường, 1.462 tỷ là nguyên liệu, vật liệu; công cụ, dụng cụ là 38 tỷ, chi phí sản xuất là 269 tỷ, hàng hóa là 446 tỷ, dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 112 tỷ đồng.

– Tài sản ngắn hạn khác tại thời điểm 31/12/2022 là 726 tỷ đồng, chiếm 1,44% tổng tài sản của Công ty, giảm 23 tỷ so với năm 2021 (tương ứng -3,04%). Cụ thể, bao gồm chi phí trả trước ngắn hạn 202 tỷ, thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 473 tỷ, thuế và các khoản phải thu Nhà nước 50,6 tỷ.

b/ Đánh giá tài sản dài hạn
Tài sản dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 15.850 tỷ đồng, chiếm 31,51% tổng tài sản Công ty, giảm 7.931 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 33.35%). Cơ cấu tài sản dài hạn bao gồm:
– Các khoản phải thu dài hạn của Công ty là 3.104 tỷ đồng, chiếm 6,17% tổng tài sản, giảm 7.783 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 71.49%). Trong đó, phải thu dài hạn của khách hàng là 2.235 tỷ, trả trước cho người bán dài hạn là 5.736 tỷ đồng, phải thu về cho vay dài hạn là 720 tỷ, phải thu dài hạn khác là 143 tỷ.
+ Phải thu dài hạn của khách hàng là 2.235 tỷ, chiếm 4,44% tổng tài sản, giảm 5.356 tỷ đồng (tương đương 70,56%) so với năm trước.

Cụ thể, sự sụt giảm chủ yếu đến từ Viettel Peru S.A.C đã thanh toán khoản phải thu 3.429 tỷ trong năm 2022. Cùng với đó, phải thu dài hạn của Công ty Telecom International Myanmar cũng giảm từ 4.161 tỷ về 2.235 tỷ.
+ Trả trước cho người bán dài hạn là 5.736 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng tài sản, giảm 111 tỷ đồng (tương đương 1,91%) so với năm trước.
+ Phải thu về cho vay dài hạn là 720 tỷ đồng, chiếm 1,43% tổng tài sản, giảm 2.137 tỷ đồng (tương đương 74,79%) so với năm trước, chủ yếu là khoản cho vay Mytel trong dài hạn.

+ Phải thu khác là 143 tỷ đồng, chiếm 0,28% tổng tài sản, giảm 289 tỷ đồng (tương đương 66,89%) so với năm 2021.

– Tài sản cố định hữu hình của công ty là 7.070 tỷ, chiếm 14,06% tổng tài sản, tăng 67.6 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 0,97%). Trong đó, máy móc, thiết bị của VGI đạt 6.618 tỷ, chiếm đến 94% tài sản cố định hữu hình của công ty. Còn lại là nhà cửa, vật kiến trúc; phương tiện vận tải, truyền dẫn, thiết bị, dụng cụ, quản lý.

– Tài sản cố định vô hình của công ty là 2.896 tỷ đồng, chiếm 5,76% tổng tài sản, tăng 588 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 25,94%), bao gồm: quyền sử dụng đất, phần mềm, máy tính, giấy phép kinh doanh viễn thông.

– Tài sản dở dang dài hạn của VGI tính đến ngày 31/12/2022 là 470 tỷ, chiếm 0,94% tổng tài sản, giảm 549 tỷ (tương ứng giảm 53,88%). Trong đó, chủ yếu là các nhà trạm, tuyến cáp đang được xây dựng cơ bản.

– Đầu tư tài chính dài hạn của công ty là 842 tỷ, chiếm 1,67% tổng tài sản, tăng 75.1 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 9,08%). Trong đó, chủ yếu là đầu tư vào 2 công ty liên doanh, liên kết: Star Telecom và Metcom.

Bên cạnh đó, khoản đầu tư, góp vốn vào các đơn vị khác trên thực tế là là khoản đầu tư vào Công ty Viettel Cameron. Từ năm 2018-2022, Tổng Công ty đã phân loại khoản đầu tư này từ khoản mục đầu khoản mục đầu tư vào công ty con sang khoản mục đầu tư dài hạn khác do chưa thu thấp được số liệu tài chính của công ty.
– Tài sản dài hạn khác của công ty tính đến 31/12/2022 là 1.466 tỷ, chiếm 2,91% tổng tài sản, giảm 329 tỷ (tương đương giảm 18,35%) so với năm 2021, bao gồm chi phí trả trước dài hạn, tài sản thuế thu nhập hoãn lại và lợi thế thương mại.
+ Chi phí trả trước dài hạn là 467 tỷ đồng, giảm 218 tỷ đồng (tương đương 31,79%), chủ yếu là chi phí thuê kênh và thuê mặt bằng tại Công ty National Telecom.

+ Thuế thu nhập dài hạn là 906 tỷ đồng, chiếm 1.8% tổng tài sản, giảm 59 tỷ, tương đương 6,08% so với năm trước.

+ Lợi thế thương mại là 93 tỷ đồng, chiếm 0,18% tổng tài sản, giảm 53 tỷ, tương đương 36,36% so với năm trước.

2.1.2. Nguồn vốn – Nợ
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng nguồn vốn của VGI là 50.303 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải trả là 21.194 tỷ đồng (chiếm 42,13% tổng nguồn vốn), Vốn chủ sở hữu là 29.108 tỷ đồng (chiếm 57,87%). Trong cơ cấu nợ phải trả, tỷ trọng nợ ngắn hạn là 78,26%, nợ dài hạn là 21,74%.

a/ Đánh giá nợ ngắn hạn
Tại thời điểm 31/12/2022 Nợ ngắn hạn của Viettel Global là 16.586 tỷ, chiếm 32,97% tổng nguồn vốn, giảm 17.169 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 0,1%).
Bao gồm các khoản phải trả người bán 4.018 tỷ, người mua trả trước 23 tỷ, thuế và các khoản nộp cho Nhà nước 975 tỷ, phải trả người lao động 143 tỷ, chi phí phải trả ngắn hạn 2.109 tỷ, doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn 2.140 tỷ, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.669 tỷ, các khoản phải trả ngắn hạn khác 3.377 tỷ, dự phòng phải trả ngắn hạn là 16 tỷ, quỹ khen thưởng là 115 tỷ.
– Phải trả người bán ngắn hạn: tính đến ngày 31/12/2022 là 4.018 tỷ, chiếm 7,99% tổng nguồn vốn, tăng 571 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 16,56%). Trong đó, khoản phải trả cho đối tượng khác chiếm đến 79% tổng danh mục, còn lại là khoản phải trả các nhà cung cấp lớn như Huawei, ZTE, Nokia Solutions and Networks….

– Chi phí phải trả ngắn hạn của công ty tính đến ngày 31/12/2022 là 2.109 tỷ đồng, chiếm 4,19% tổng nguồn vốn, tăng 346 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 19,6%), bao gồm chi phí về thuế, phí viễn thông, hoạt động, cước kết nối, tạm tính giá vốn, lãi vay phải trả, phải trả khác……

– Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn: tính đến hết năm 2022 là 2.140 tỷ, chiếm 4,25% tổng nguồn vốn, tăng 212 tỷ so với năm trước (tương ứng 11%), chủ yếu là doanh thu dịch vụ trả trước chưa cung cấp cho khách hàng.

– Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn: là 3.669 tỷ, chiếm 7,29% tổng nguồn vốn, giảm 2.994 tỷ so với năm trước (tương ứng giảm 44,93%).

Cụ thể, khoản vay ngắn hạn giảm 20% xuống 2.109 tỷ, trong đó Tổng công ty đã thanh toán xong 521 tỷ đồng, tương đương 25% các khoản vay ngân hàng ngắn hạn trong năm 2022. Trong đó, công ty chủ yếu vay bằng tiền USD từ các đại diện ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, VGI cũng phát sinh nhiều khoản vay bằng MZN từ các ngân hàng ở Mozambique.
Khoản nợ dài hạn đến hạn trả là 1560 tỷ, giảm 61% so với năm 2021. Các khoản nợ giảm mạnh sẽ giúp cho Viettel Global giảm được đáng kể chi phí tài chính đồng thời cũng giúp giảm áp lực từ biến động tỷ giá do chủ yếu vay bằng đồng USD.
– Phải trả ngắn hạn khác: tính đến ngày 31/12/2022 là 3.377 tỷ, chiếm 6,71% tổng nguồn vốn, tăng 1.507 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 80,63%).

Trong đó, chiếm nhiều nhất là khoản phải trả tiền ví điện tử cho khách hàng 2.556 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VGI cũng ghi nhận khoản phải trả bảo lãnh vay vốn cho Viettel Cameroon trị giá 272 tỷ đồng. Đây là một khoản bảo lãnh tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà giữa VGI và Viettel Cameroon vẫn còn tồn tại sự bất đồng về việc điều hành hoạt động công ty.
b/ Đánh giá nợ dài hạn
Nợ dài hạn: của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 4.609 tỷ, chiếm 9,16% tổng nguồn vốn. Tổng danh mục giảm 3.004 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 39.47%). Nợ dài hạn của Công ty chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn (chiếm 4,55% tổng nguồn vốn).
Tính đến hết năm 2022, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 2.889 tỷ đồng, giảm 3.286 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng giảm 58,59%)

Nhìn vào chi tiết các khoản vay, có thể thấy tất cả các khoản vay đều giảm mạnh, trong đó có những mục giảm một nửa giá trị. Đến cuối năm 2022, VGI đã thanh toán xong nợ dài hạn cho các ngân hàng: TMCP Bưu điện Liên Việt, TMCP Phát triển TP.HCM, TMCP Kỹ thương Việt Nam, SHB, TMCP Quân Đội, TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Bangkok Đại chúng TNHH.
Nhờ giảm mạnh các khoản nợ dài hạn, áp lực trả nợ của VGI trong những năm tiếp theo cũng được điều chỉnh khi số tiền dự kiến thanh toán trong từng năm tới giảm một nửa so với giá trị dự kiến đầu năm 2022. Theo lịch biểu đề ra, VGI dự kiến sẽ thanh toán hết các khoản nợ hiện có trong vòng nhiều nhất là 5 năm tới.

c/ Đánh giá vốn chủ sở hữu
Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của VGI là 29.108 tỷ đồng (chiếm 57,87% tổng nguồn vốn), tăng 474 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 1,66%).
Trong đó: Vốn góp của chủ sở hữu là: 30.438 tỷ đồng; quỹ đầu tư phát triển là 3.496 tỷ đồng, các quỹ khác là 9.775 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái là -813 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế là -3.969 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, vốn góp chủ sở hữu của VGI là 30.043 tỷ đồng, chiếm đến 60,51% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, tổng giá trị vốn chủ sở hữu bị giảm xuống còn có 57,87% tổng nguồn vốn là do khoản khấu trừ ở chênh lệch tỷ giá hối đoái và lỗ lũy kế của toàn công ty.
=> Nhìn chung, cơ cấu nguồn vốn năm 2022 của VGI khá đồng đều với tỷ trọng nợ và vốn chủ sở hữu gần bằng nhau. Nhìn về chất lượng của các danh mục, có thể thấy tình hình tài chính của Tổng công ty đang dần tốt lên trong năm. Cụ thể, nợ phải trả trong các năm qua giảm nhanh do hiện nay VGI không có nhu cầu đi vay lớn cùng với các thị trường đã qua giai đoạn đầu tư ban đầu và có dòng tiền ổn định chuyển về VGI, từ đó giúp doanh nghiệp nhanh chóng trả nợ. Mặt khác, vốn chủ sở hữu bắt đầu có dấu hiệu tăng trong năm 2022 khi mà doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận dương trong năm.

2.2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Đơn vị: VND

Năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ của Viettel Global đạt 23.629 tỷ đồng, tăng 4.387 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 22,8%). Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ chiếm đến 95,8% tổng doanh thu.

Xét cơ cấu doanh thu chia theo thị trường, châu Phi và Đông Nam Á là 2 thị trường đóng góp doanh thu nhiều nhất cho Viettel Global, lần lượt là 10.873 tỷ đồng (~ 46% tổng doanh thu) và 12.306 tỷ đồng (~ 52% tổng doanh thu).
Chia theo lĩnh vực, doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống (8 thị trường) tăng trưởng 25,3% – cao gấp 6 lần mức tăng trưởng bình quân của viễn thông thế giới. Lĩnh vực ngoài viễn thông truyền thống cũng ghi nhận mức tăng trưởng 28%, cao nhất trong ba năm gần đây. Trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ dịch vụ tài chính điện tử với mức tăng trưởng 90%
Giá vốn hàng hóa năm 2022 của công ty đạt 12.671 tỷ đồng, chiếm 53,59% doanh thu, tăng 553 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 4,56%). So với năm trước, giá vốn hàng hóa của công ty không có sự thay đổi nhiều trong tổng giá trị.

Doanh thu từ hoạt động tài chính là 3.580 tỷ đồng, tăng 377 tỷ đồng so với năm trước (tương đương 11,78%).

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là 2.485 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá (69,4% so với tổng doanh thu từ hoạt động tài chính). Trong đó, 2.233 tỷ VND là khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm. Lý giải cho sự gia tăng trong khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái là nhờ tỉ giá tại Việt Nam được kiểm soát khá tốt khi đồng USD có xu hướng mạnh lên trong năm 2022.
Chi phí tài chính vào cuối năm 2022 là 2.557 tỷ đồng, chiếm 71% so với doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 242,2 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 10,46%).

Sự gia tăng này chủ yếu đến từ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái trị giá 2.045 tỷ đồng, chiếm đến 80% tổng danh mục. Lý giải cho vấn đề này, VGI đầu tư ra nước ngoài bằng đồng ngoại tệ (USD), trong khi doanh thu tại các nước bản địa là đồng nội tệ nên kết quả kinh doanh của Viettel Global bị ảnh hưởng bởi rủi ro tỷ giá khi quy đổi doanh thu sang USD và rủi ro đánh giá lại tỷ giá các khoản công nợ ngoại tệ cuối kỳ.
Trong năm 2022, Haiti, Lào, Myanmar và Burundi là các nước có tỷ lệ mất giá đồng nội tệ so với USD lớn hơn VND. Đây cũng là các nước có tỷ lệ đóng góp doanh thu cao cho VGI. Vì thế nên, khi đánh giá lại các khoản doanh thu, doanh nghiệp bị khấu trừ chi phí tài chính cao trong năm.

=> Có thể thấy, vấn đề tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến hoạt động tài chính của VGI do phạm vi hoạt động của công ty tập trung ở nước ngoài. Theo đó, lỗ chênh lệch tỷ giá chủ yếu đến từ việc quy đổi doanh thu tại các nước sang USD. Ngược lại, khi chuyển tiền về VGI, dòng tiền lại được quy đổi từ USD sang VND, từ đó tạo ra lãi từ chênh lệch tỷ giá. Do đó, nhờ việc đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu năm 2022, công ty vẫn thu về khoản lãi ròng chênh lệch tỷ giá lên đến hơn 439 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng vào cuối năm 2022 là 2.579 tỷ đồng, chiếm 9,94% so với tổng doanh thu, tăng 665 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 34,73%), phần lớn đến từ việc chi phí quảng cáo, chi trả cho đại lý tăng mạnh.

Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty là 6,691 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng doanh thu, tăng 2.938 tỷ đồng so với năm trước (tương đương 78,29%).

Lý do chính là bởi khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng gần 4 lần so với năm trước lên 4.056 tỷ đồng. Cụ thể, công ty đã tăng trích lập dự phòng cho 2/3 nợ xấu của Công ty Mytel (thương hiệu Viettel ở Myanmar) và Viettel Cameroon.
Tính hết năm 2022, lợi nhuận khác của công ty đạt 51.632 tỷ đồng, giảm -322.552 tỷ đồng (tương đương 86,2%) so với năm trước.

Lợi nhuận sau thuế của Viettel Global là 1.540 tỷ đồng, tăng 1.194 tỷ đồng, tương đương 344,21% so với năm 2021. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần đầu đạt kết quả dương 834 tỷ đồng sau 5 năm liên tiếp ghi nhận lỗ. Xét cơ cấu lợi nhuận theo thị trường đầu tư, châu Mỹ là nơi duy nhất ghi nhận lãi trong năm 2022.

a. Thị trường Đông Nam Á
Tính đến ngày 31/12/2022, doanh thu của thị trường Đông Nam Á là 12.306 tỷ đồng, tăng 24,6% so với năm 2021. Ngược lại, lợi nhuận của thị trường này năm 2022 là -3.256 tỷ đồng, giảm 439% so với năm trước.

Theo thuyết minh của VGI, báo cáo kết quả của thị trường Đông Nam Á chỉ phản ánh tình hình kinh doanh của các công ty con tại Campuchia, Đông Ti-mor và Công ty VTG tại Việt Nam. Thị trường Myanmar và Lào không được hợp nhất trong báo cáo bộ phận do các công ty ở 2 đất nước này là công ty liên kết của VGI.
Theo đó, cả 3 thị trường được ghi nhận đều có sự tăng trưởng về doanh thu sau 2 năm doanh thu sụt giảm trước đó. Sự tăng trưởng trở lại này là nhờ có định hướng chuyển dịch sang cung cấp các dịch vụ số ở các thị trường nhỏ vốn đã sớm bão hòa về dịch vụ viễn thông như Đông Ti-mo và Campuchia. Nhờ đó, cả 2 thị trường này đều báo lãi trong năm 2022.

Trong đó: Mytel và Star Telecom là công ty liên kết

Đối với 2 công ty liên kết, thị trường Lào vẫn có lợi nhuận dương trong năm 2022. Ngược lại, ảnh hưởng chính trị khiến Mytel ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ mặc dù doanh thu từ thị trường này đóng góp lớn nhất cho VGI. Vì thế mà dù là thị trường đóng góp doanh thu nhiều nhất cho Viettel Global nhưng Đông Nam Á lại có lỗ lợi nhuận cao nhất trong ba thị trường (- 3.254 tỷ đồng).

b. Thị trường châu Phi
Năm 2022, thị trường châu Phi đóng góp 10.873 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước. Lợi nhuận từ thị trường này là -29.7 tỷ đồng, giảm 103% so với năm trước.

Theo VGI, báo cáo thị trường châu Phi chỉ ghi nhận kết quả kinh doanh của Mozambique, Tanzania và Burundi. Thị trường Cameroon không được hợp nhất do các tranh chấp về điều hành công ty khiến công ty không thể thu thập số liệu tài chính.

Cụ thể, Viettel Tanzania là công ty duy nhất ghi nhận kết quả lỗ trong khi 5 công ty còn lại đều ghi nhận lãi lợi nhuận. Vì thế mà so với các năm trước, lỗ lợi nhuận của toàn thị trường ở mức khá thấp trong khi doanh thu vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Tuy nhiên, xét trong 6 năm gần nhất, biên lợi nhuận của thị trường châu Phi thường ở mức âm lớn (ngoại trừ năm 2021 dương) dù doanh thu hằng năm ở mức khá cao (đứng thứ 2 chỉ sau thị trường Đông Nam Á). Lý do đến từ việc thời gian đầu tư của VGI ở đây còn ngắn trong khi thị trường châu Phi, với ít thuận lợi, cần ít nhất 6-7 năm để có lãi và 12-13 năm để hoàn vốn. Bên cạnh đó, rủi ro tỷ giá khi mà đồng nội tệ có tỷ lệ mất giá lớn so với USD cũng dẫn đến kết quả lợi nhuận của thị trường này thiếu sự ổn định.

c. Thị trường Mỹ La-tinh
Trong năm 2022, doanh thu thị trường Mỹ La-tinh đạt 2.279 tỷ đồng, giảm 0.26% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận của thị trường là 631 tỷ đồng, tăng 29,11% so với năm trước.

Hiện tại, VGI đang đầu tư tại 2 nước tại châu Mỹ La-tinh là Haiti và Peru. Nhưng chỉ có kết quả của Haiti được hợp nhất trong báo cáo VGI do quy định của Peru yêu cầu kết quả Bitel (thương hiệu của Viettel tại Peru) phải do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội làm chủ đầu tư ghi nhận.
Do đó, kết quả doanh thu sụt giảm nhẹ trong năm 2022 ở thị trường này phần lớn đến từ việc Natcom tại Haiti chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá quy đổi biến động nhiều, dẫn đến doanh thu không tăng trưởng. Tuy nhiên nếu đánh giá theo đồng bản tệ thì Natcom tăng 40% so với năm trước.
Mặt khác, lợi nhuận sau thuế của Natcom đạt mức cao nhất từ trước đến nay, biên lợi nhuận sau thuế tăng từ 21% lên 28%. Kết quả này phần lớn đến từ việc Haiti là thị trường được VGI đầu tư từ sớm và đang trong giai đoạn tạo ra lợi nhuận.
=> Tình hình phát triển kinh doanh ở các thị trường của VGI đều đang trong giai đoạn tăng trưởng khi mà doanh thu vẫn tăng đều qua các năm. Mặc dù biên lợi nhuận gộp đang được cải thiện dài trong các năm qua, lợi nhuận sau thuế vẫn đang ở mức khá thấp, thậm chí ghi nhận giá trị âm trong các năm trước đó. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của VGI chịu áp lực rất lớn từ chênh lệch tỷ giá hối đoái khi mà đồng bản tệ ở các nước đầu tư bị thấp giá hơn so với đồng Việt Nam. Vì thế nên, về dài hạn, VGI nên đưa ra các kế hoạch giúp cắt giảm chi phí doanh nghiệp và đối phó với vấn đề tỷ giá để cải thiện biên lợi nhuận.

2.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Tính đến hết năm 2022, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 13.663 tỷ đồng, tăng 163,65% so với năm trước, phần lớn đến từ kết quả kinh doanh ở các thị trường đều khá tốt. Hiện tại, 9 thị trường được ghi nhận trong báo cáo tài chính của VGI đều có mức tăng trưởng hàng năm dương.
Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động đầu tư là -5.240 tỷ đồng, giảm gần 9 lần so với năm 2021 do tiền thu từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Dòng tiền từ hoạt động tài chính năm 2022 của VGI là -6.709 tỷ đồng, giảm 144.75% so với năm trước. Hiện tại, VGI đã qua giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng vào các thị trường và đang tập trung khai thác các thị trường để tạo lợi nhuận. Vì thế nên VGI đang giảm dần nợ vay tài chính trong những năm gần đây.
3. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Viettel Global đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 đạt 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt dương đến tương đương năm 2022 khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng năm 2023, doanh thu hợp nhất của Viettel Global đạt 13.300 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm trước. Trong đó, hầu hết các công ty thị trường đều tăng trưởng tốt về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, nổi bật là Movitel tại Mozambique (28%), Telemor tại Đông Timor (23%), Metfone tại Campuchia (19%)…
Đặc biệt, công ty Ví điện tử tại các thị trường của Viettel Global có tăng trưởng rất ấn tượng: M_mola tại Mozambique 906%, Telemor Fintech tại Đông Timor 82%, Star Fintech tại Lào 81%, Halopesa tại Tanzania 41%, Lumicash tại Burundi 31%…
Lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm của Viettel Global đạt 187 tỷ đồng, lãi gộp đạt mức 6.387 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ do mảng kinh doanh cốt lõi của VGI tăng tốt. Theo đó, VGI đã hoàn thành 47,5% kế hoạch về doanh thu và 6,5% kế hoạch về lợi nhuận trước thuế.
Mặt khác, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý 2 năm 2023 của Viettel Global là -1.219 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 2.336 tỷ VNĐ. Lý do chính là bởi Viettel Global tiếp tục phải trích lập dự phòng đầu tư và phải thu 2.791 tỷ đồng đối với Công ty Viettel Myanmar và Công ty Viettel Cameroun. Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận lỗ luỹ kế từ chênh lệch tỷ giá trị giá 1.732 tỷ đông tại Công ty mẹ và các Công ty thị trường (gồm Viertel Burundi và Viettel Tanzania).
KỲ VỌNG PHÁT TRIỂN CUỐI NĂM 2023
Hoạt động kinh doanh tại các thị trường vẫn tiếp tục diễn ra sôi nổi. Hiện nay, VGI đã hoàn thiện hạ tầng viễn thông và đứng đầu ở hầu hết các thị trường, từ đó đảm bảo nguồn thu ổn định từ các dịch vụ truyền thống. Trong thời gian gần đây, VGI đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình bằng cách cung cấp các dịch vụ số, bao gồm ví điện tử, nhằm tạo ra một nguồn thu mới.
Biên lợi nhuận ròng được nới rộng trong nửa cuối năm 2023. Biên lợi nhuận sau thuế của VGI giảm trong quý 4/2022 và quý 1/2023 do chi phí dự phòng một lần cho khoản đầu tư của công ty vào Viettel Myanmar. Chúng tôi kỳ vọng áp lực lên chi phí dự phòng sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2023 do VGI đã hoàn thành trích lập dự phòng cho 96% tổng số dư đầu tư với Viettel Myanmar vào cuối quý 1/2023.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp trong năm 2023 cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 50% như các năm trước do (1) số lượng thuê bao 4G ngày càng tăng và (2) đóng góp cao hơn từ các mảng có giá trị gia tăng cao hơn như dịch vụ tài chính và giải pháp công nghệ.
Rủi ro tỷ giá ở Tanzania tiếp tục gây ảnh hưởng đến lợi nhuận. Theo công ty, lạm phát ở các nước dự báo ở mức thấp hơn năm 2022 ngoại trừ Tanzania do 40% hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Yếu tố tỷ giá dự báo vẫn tiếp tục tăng, là nguyên nhân chính gây sụt giảm lợi nhuận quy đổi chuyển về Việt Nam
KỲ VỌNG PHÁT TRIỂN CẤC NĂM TIẾP THEO
VGI đối diện với rủi ro mất nguồn thu khi có khả năng công ty sẽ sớm rút lui tại 2 thị trường Myanmar và Cameroon.
– Myanmar: Từ năm 2021, tình hình chính trị phức tạp tại Myanmar đã làm tăng rủi ro không thể thu hồi vốn và rút tiền về Việt Nam. Do đó trong các năm qua, công ty đã phải liên tục tăng khoản dự phòng phải thu khó đòi tại thị trường này, điều này đã gây ra tác động lớn đến chất lượng tài sản của công ty và làm tăng chi phí kinh doanh của công ty.
Vào tháng 11/2023, VGI đã thông qua quyết định giải thể văn phòng đại diện của Viettel tại Myanmar do công ty không quá khả quan về việc tiếp tục hoạt động ở thị trường này trong tương lai. Đây sẽ trở thành một tổn thất lớn đối với kết quả kinh doanh VGI khi mà Myanmar đang là thị trường có tỷ lệ đóng góp doanh thu cao nhất trong các năm.
– Cameroon: Việc bất đồng về điều hành công ty giữa cổ đông VGI và ở các nước sở tại khiến cho công ty không thể hợp nhất kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính trong các năm qua. Bởi vì vấn đề này, cổ phiếu VGI đã bị đưa vào diện cảnh báo từ T4/2023, gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng công ty. Thêm vào đó, khúc mắc với Viettel Cameroon cũng khiến công ty phải tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi trong suốt 3 năm liên tiếp.
Vào tháng 11/2023, Công ty đã trình xem xét giải thể hoặc tiếp tục hoạt động của hiện diện thương mại của VGI tại Cameroon. Với việc vấn đề với Viettel Cameroon đã tồn đọng trong nhiều năm , quyết định trong tương lai của HĐQT về thị trường này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tài sản cũng như tình hình hoạt động ngắn hạn của công ty.
Khả năng đột phá doanh thu và lợi nhuận ở các thị trường ở mức thấp. Mặc dù công ty hiện nay đang phát triển lĩnh vực thêm lĩnh vực dịch vụ số, tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng doanh thu của mảng này trong trung và dài hạn đều rất ít. Lý do chính đến từ việc phần lớn các thị trường mà VGI đang triển khai đều tiềm ẩn bất lợi như quy mô dân số thấp hoặc tình hình kinh tế kém phát triển trong khi công ty có nguy cơ rút khỏi thị trường lớn là Myanmar. Bên cạnh đó, vấn đề tỷ giá thiếu ổn định tại thị trường châu Phi cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty.

                                                                                                                Dữ liệu năm 2022 – Tổng hợp từ World Bank

4. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ MÃ CỔ PHIẾU VGI
● Viettel Global là công ty trực thuộc trực thuộc Tập đoàn Viettel, được phát triển với mục tiêu mở rộng kinh doanh ra nước ngoài và tìm kiếm thị trường tiềm năng. Suốt 16 năm xây dựng và phát triển, VGI đã tận dụng kinh nghiệm phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông giá rẻ ở Việt Nam để đầu tư tại cả 3 thị trường khác, từ đó nhanh chóng trở thành “nhà mạng số 1” tại nhiều quốc gia.
● Tuy nhiên, cấu trúc hoạt động của VGI khi thực hiện đầu tư tại nhiều quốc gia làm cho doanh nghiệp gặp rủi ro về tỷ giá, chính sách thuế, cũng như rủi ro hoạt động. Đặc biệt khi mà chiến lược của VGI là đi đầu tư vào các “vùng trũng” viễn thông, cụ thể là các thị trường còn gặp khó khăn về phát triển kinh tế xã hội.
● Trong năm 2022, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bối cảnh tỷ lệ lạm phát tại các nước mà tổng công ty đầu tư đều cao hơn so với dự báo đầu năm, tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng. Tỷ giá tại một số thị trường có diễn biến xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số hiệu quả của thị trường.
● Bên cạnh đó, chất lượng các khoản phải thu ngắn hạn cũng là vấn đề cần quan tâm trong tương lai gần khi VGI đang dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi có giá trị 6.371 tỷ đồng. Trong trường hợp không bảo đảm thu hồi các khoản phải thu đúng hạn sẽ gây ra những áp lực nhất định tới hoạt động của doanh nghiệp.