PHÂN TÍCH MÃ CỔ PHIẾU HPG
A. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HPG
1. Thông tin chung
– Tên đầy đủ: Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát
– Mã cổ phiếu : HPG
– Vốn điều lệ: 58.147.857.000.000 VNĐ
– Địa chỉ trụ sở: KCN Phố Nối A, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, VN.
– Văn phòng Hà Nội: 66 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, HN
– Số điện thoại: 024 6284 8666 Fax: 024 6283 3456
– Website: http://www.hoaphat.com.vn
2. Lịch sử hình thành và phát triển
– Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực Nội thất (1995), Ống thép (1996), Thép xây dựng (2000), Điện lạnh (2001), Bất động sản (2001).
– Năm 2007, Hòa Phát tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là Công ty mẹ cùng các Công ty thành viên. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG. Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) – Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, vỏ container, thép dự ứng lực) – Nông nghiệp – Bất động sản – Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tập đoàn giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam. Trứng gà Hòa Phát dẫn đầu thị phần tại miền Bắc. Chăn nuôi heo an toàn sinh học Hòa Phát cũng nằm trong Top những Doanh nghiệp hàng đầu. Nhiều năm liền, Hòa Phát được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất, Top 10 Doanh nghiệp niêm yết kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam, Top 30 Doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu,…

3. Lĩnh vực kinh doanh
– Sản xuất thép xây dựng, thép cuộn cán nóng;
– Buôn bán và xuất nhập khẩu sắt thép, vật tư thiết bị luyện, cán thép;
– Sản xuất cán kéo thép, sản xuất tôn lợp, tôn mạ kẽm, tôn mạ lạnh, tôn mạ màu;
– Sản xuất ống thép không mạ và có mạ;
– Sản xuất và mua bán kim loại màu các loại, phế liệu kim loại màu;
– Luyện gang, thép; Đức gang, sắt, thép;
– Sản xuất và bán buôn than cốc;
– Khai thác quặng kim loại; Mua bán kim loại, quặng kim loại, sắt thép phế liệu;
– Sản xuất, kinh doanh, lắp ráp, lắp đặt, sửa chữa, bảo hành hàng điện, điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, điều hòa không khí;
– Đầu tư và xây dựng đồng bộ hạ tầng, kỹ thuật khu công nghiệp và khu đô thị;
– Đầu tư, kinh doanh bất động sản;
– Sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm, chăn nuôi gia súc, chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt, trứng gà,…;
– Vận tải đường thủy nội địa, ven biển, viễn dương;
– Sản xuất, buôn bán container..
4. Các công ty con và công ty liên kết

5. Cơ cấu cổ đông

Trong quá hình thành và phát triển, HPG đã nhiều lần tăng vốn điều lệ

– Ngày 25/02/2015: Tăng vốn điều lệ lên 4,886 tỷ đồng.
– Ngày 26/04/2017: Tăng vốn điều lệ lên 12,642,554,170,000 đồng.
– Ngày 10/07/2018: Tăng vốn điều lệ lên 21,239,071,660,000 đồng.
– Ngày 04/07/2019: Tăng vốn điều lệ lên 27,610,741,150,000 đồng.
– Ngày 01/09/2020: Tăng vốn điều lệ lên 33,132,826,590,000 đồng.
– Ngày 30/06/2021: Tăng vốn điều lệ lên 44,729,227,060,000 đồng.
– Ngày 17/06/2022 : Tăng vốn điều lệ lên 58,147,857,000,000 đồng.

6. Ban lãnh đạo công ty

B. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY
1. Bảng cân đối kế toán
Theo thông tin trong Báo cáo tài chính đến hết 31/12/2022, Tổng tài sản của Tập đoàn HPG đạt 170.336 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng tài sản thì tài sản ngắn hạn là 80.515 tỷ đồng (chiếm 47.27% tổng tài sản) và tài sản dài hạn là 89.821 tỷ đồng (tương đương 52.73% tổng tài sản).

Tiền và các khoảng tương đương tiền là 8.325 tỷ đồng chiếm 4.89% tổng tài sản công ty.

Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 26.268 tỷ, chiếm 15.42% tổng tài sản, tăng 44.04% so với năm 2021. Đây hầu hết là các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng tại các ngân hàng.

Các khoản phải thu ngắn hạn là 9893 tỷ đồng (chiếm 5.81% tổng giá trị tài sản công ty), tăng 29.10% so với năm 2021, trong đó:
Phải thu của khách hàng là 2959 tỷ đồng, chiếm 1.74% tổng tài sản, giảm 40.51% so với năm 2021.
Trả trước cho người bán là 5366 tỷ đồng, chiếm 3.15% tổng tài sản, tăng 211.56% so với năm 2021. Bao gồm trả trước cho Primetals Technologies Japan, Ltd 836 tỷ; WISDRI Engineering &Research Incorporation Limited 1.472 tỷ; và các nhà cung cấp khác.

Các khoản phải thu ngắn hạn khác tính đến 31/12/2022 là 1483 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là các khoản lãi tiền gửi, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, ký cược, ký quỹ và thuế nhập khẩu nộp trước.

Công ty có 124 tỷ cho vay ngắn hạn, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 41 tỷ, và tài sản thiếu chờ xử lý 1.9 tỷ.
Hàng tồn kho đến 31/12/2022 là 34.491 tỷ đồng (chiếm 20.25% tổng giá trị tài sản Tập đoàn), giảm 18.14% so với năm 2021. Trong đó bao gồm: hàng mua đang đi đường, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, thành phẩm, hàng hóa, hàng gửi bán . Các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho là (1236) tỷ.

Ngoài ra, công ty có 1538 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác bao gồm chi phí trả trước ngắn hạn 320 tỷ, thuế VAT được khấu trừ 1118 tỷ, thuế và các khoản phải thu khác 100 tỷ.
Tài sản dài hạn của HPG tính đến 31/12/2022 là 89.821 tỷ đồng, trong đó có tài sản cố định là 70.833 tỷ chiếm 41.58% tổng tài sản, bất động sản đầu tư 629 tỷ chiếm 0.37%, tài sản dở dang dài hạn 13.363 tỷ chiếm 7.85 %, , tài sản dài hạn khác 4100 tỷ chiếm 2.41% và các khoản phải thu dài hạn 894 tỷ chiếm 0.53%.
Tài sản cố định hữu hình của công ty chủ yếu bao gồm: nhà cửa vật kiến trúc và máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển, dụng cụ văn phòng.

Tài sản cố định vô hình bao gồm quyền sử dụng đất, phần mềm máy tính và các tài sản khác

Bất động sản đầu tư bao gồm các quyền sử dụng đất và nhà xưởng cho thuê tại khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên và khu CN Hòa Mạc, Hà Nam. Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất và diện tích cho thuê thương mại tại các dự án khu đô thị của công ty.

Tài sản dở dang dài hạn của công ty chủ yếu thuộc các dự án: Khu liên hợp gang thép Dung Quất, khu liên hợp gang thép Hải Dương, dự án nhà máy container, dự án nông nghiệp, dự án điện máy gia dụng, dự án nhà máy thép rút dây, dự án mở rộng nhà máy ống thép…và các dự án khác.

Công ty có 3929 tỷ chi phái trả trước dài hạn, bao gồm các khoản trả trước cho: công cụ, dụng cụ, chi phí đại tu sửa chữa lớn, chi phí đất trả trước, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí trước hoạt động, và các chi phí khác.

Công ty có 793 tỷ phải thu dài hạn khác, chủ yếu là các khoản ký cược, ký quỹ.

Công ty có 102 tỷ phải thu về cho vay dài hạn. chủ yếu là cho cá nhân vay đầu tư chuồng trại, cơ sở vật chất, sau đó cho công ty thuê lại.

Công ty có 88 tỷ lợi thế thương mại

Nợ phải trả của HPG tính đến 31/12/2022 là 74.223 tỷ đồng, giảm 15.13% so với năm 2021, chiếm 43.57% tổng nguồn vốn, trong đó nợ ngắn hạn là 62.385 tỷ đồng (chiếm 84.05 % tổng nợ) và nợ dài hạn là 11.837 tỷ (chiếm 15.95% tổng nợ)
Vay và nợ thuê tài chính của HPG bao gồm 46.749 tỷ vay ngắn hạn và 11.152 tỷ vay dài hạn. Một phần vay ngắn hạn của công ty được đảm bảo bởi các hợp đồng tiền gửi của công ty (hiện công ty có 8325 tỷ tiền và các khoản tương đương tiền và 26.268 tỷ hợp đồng tiền gửi dưới 12 tháng)

Phải trả người bán của công ty là 11.107 tỷ, chủ yếu cho công ty Kru Oversea Limited 1241 tỷ, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thiên Trường 282 tỷ, Danieli & C.Offcine Meccaniche S.p.A 204 tỷ và các đơn vị khác.

Người mua trả tiền trước của công ty là 861 tỷ.

Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 648 tỷ.

Chi phí phải trả bao gồm 461 tỷ ngắn hạn và 532 tỷ dài hạn, chủ yếu gồm chi phí lãi vay, chi phí khuyến mại, chi phí phải trả nhà thầu, trích trước tạm tính giá vốn đất khu công nghiệp, chi phí bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, trích trước chi phí thuê đất.

Phải trả khác bao gồm 419 tỷ ngắn hạn và 61 tỷ dài hạn

Công ty có 63 dự phòng bao gồm 5 tỷ ngắn hạn và 58 tỷ dài hạn

Thuế thu nhập hoãn lại phải nộp là 105 tỷ.

Công ty có 1813 tỷ quỹ khen thưởng phúc lợi

Vốn chủ sổ hữu của HPG tính đến 31/12/2022 là 96.113 tỷ đồng, tăng 5.87% so với năm 2021 trong đó vốn cổ phần là 58.148 tỷ đồng ( chiếm 60.5% giá trị vốn chủ sở hữu)

Công ty có 33.834 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần 3212 tỷ và lợi ích cổ đông không kiểm soát 106 tỷ.
.
2. Kết quả hoạt động kinh doanh

Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 142.771 tỷ đồng, giảm 5.37% tỷ so với năm 2021. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ các nguồn: bán hàng 141.636 tỷ, cung cấp dịch vụ 595 tỷ, doanh thu cho thuê lại đất thuê 440 tỷ, cho thuê bất động sản đầu tư 93 tỷ, doanh thu khác 6 tỷ.

Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm: chiết khấu thương mại 1260 tỷ, giảm giá hàng bán 182 triệu đồng, hàng bán bị trả lại 101 tỷ.
Giá vốn hàng bán của công ty là 124.646 tỷ, tăng 14.81% so với năm 2021

Năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp là 16.763 tỷ, giảm 59.22% so với năm 2021. Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán tăng cao trong kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của công ty là 8444 tỷ, giảm 75.54% so với mức 34.521 của năm 2021. Lợi nhuận của công ty thấp hơn so với kỳ vọng chủ yếu do các yêu tố vĩ mô cả trong và ngoài nước tác động lên ngành thép. Thị trường bất động sản đóng băng, cùng với điều kiện lãi suất cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại đã ảnh hưởng trực tiếp lên ngành thép và vật liệu xây dựng nói chung. Cùng với đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU đều đối mặt với việc suy giảm kinh tế và lạm phát cao, điều này đã ảnh hưởng đến cầu về thép trên toàn thế giới và các thị trường xuất khẩu của công ty.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đến 31/12/2022 là 12.278 tỷ.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là (24.626) tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là (1778) tỷ đồng.

Các chỉ số tài chính

C. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA HPG
– Ngành thép VN trải qua năm 2022 đầy khó khăn, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng trong khi nhu cầu thép sụt giảm mạnh. Chiến sự Nga –Ukraine nổ ra gây khủng hoảng giá nhiên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, kết hợp suy thoái hậu Covid, cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt, đã kéo lùi mức tăng trưởng của toàn ngành thép, đặc biệt là quý 3, quý 4 năm 2022. Một số nguyên nhân tác động trực tiếp đến ngành thép.
– Thứ nhất, diễn biến nguội dần và đóng băng vào cuối năm của ngành bất động sản là nguyên nhân chính gây ra sụt giảm về tiêu thu và giá bán thép xây dựng, dẫn đên doanh thu thép giảm dần trong năm 2022. Sự sụt giảm rõ rệt cả cầu và giá thép xây dựng, một trong các sản phẩm chủ lực hiện tại của Hòa Phát, với tỷ trọng hơn 70% tiêu thu nội địa.
– Thứ hai, giá nguyên vật liệu chính leo dốc đột biến do khủng hoảng địa chính trị, cộng với ảnh hưởng tiêu thụ chậm, giá bán thấp do cầu yêu, khiến giá vốn hàng bán chịu nhiều áp lực. Giá than cốc, một trong các nguyên liệu chính luyện thép bằng lò cao, đã tăng gấp 3 vào đỉnh điểm so với thông thường, do vậy biên lợi nhuận gộp đã giảm mạnh.
– Thứ ba, tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh trong năm, và đảo chiều giảm sâu vào cuối năm. Với đặc thù nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính trong nước, đồng thời duy trì tỷ lệ nhất định vay nước ngoài trong cơ cấu nợ vay, đã khiến công ty chịu rủi ro tỷ giá, và gia tăng chi phí tài chính liên quan.
– Thứ tư, lãi suất tăng mạnh đã khiến cho dòng vốn của nền kinh tế gặp khó khăn, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và ngành thép nói riêng.
Công ty đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.
Doanh thu: 150.000 tỷ
Lợi nhuận: 8.000 tỷ
D. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ MÃ CỔ PHIẾU HPG
– HPG là công ty đầu ngành trong lĩnh vực thép ở Việt Nam, sản lượng thép các loại đạt 7.2 triệu tấn. Thép xây dựng đạt gần 4.2 triệu tấn, đạt gần 35% thị phần, số 1 Việt Nam. Cung cấp cho thị trường 2.6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, chiếm 42.4 HRC do VN sản xuất. Công ty có tổng tài sản rất lớn, trong đó bao gồm nhiều tổ hợp sản xuất có quy mô lớn, và công nghệ tiên tiến.
– Công ty có lĩnh vực kinh doanh đa dạng , nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn tập trung chủ yếu từ ngành thép, lĩnh vực công ty có thị phần lớn ở VN và một số thị trường xuất khẩu tiềm năng.
– Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty chịu ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, cả trong và ngoài nước. Thị trường và giá cả ngành thép VN có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường và giá thép thế giới. Khi các yếu tố đầu vào và tình hình kinh tế tại các thị trường lớn trên thế giới biến động, sẽ ảnh hưởng ngay đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
– Công ty có tình hình tài chính khá lành mạnh, sở hữu lượng tiền mặt lớn. Công ty đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của tổ hợp gang thép Dung Quất, khi nền kinh tế thế giới hồi phục và tăng trưởng trở lại, giá thép và cầu về thép trở lại chu kỳ tăng, công ty sẽ có nhiều lợi thế tận dụng chu kỳ tăng trưởng của ngành để gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho công ty.