TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VN – CTCP
1. GIỚI THIỆU CHUNG
1.1. Thông tin chung
● Tên đầy đủ: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP
● Tên viết tắt: VRG
● Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0301266564 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 30/06/2010, thay đổi lần thứ 4 ngày 01/06/2018, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 30/7/2019.
● Vốn điều lệ đăng ký: 40,000,000,000,000 VND (Bốn mươi nghìn tỷ đồng)
● Vốn điều lệ thực góp: 40,000,000,000,000 VND (Bốn mươi nghìn tỷ đồng)
● Điện thoại: (028) 39325235 – 39325234
● Email: vrg@rubbergroup.vn
● Website: https://vnrubbergroup.com/
● Địa chỉ: Số 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa – P. Võ Thị Sáu – Q.3 – Tp. HCM – Việt Nam
● Mã cổ phiếu: GVR (HOSE, niêm yết ngày 17/03/2020)
1.2. Quá trình hình thành và phát triển

● Ngày 29/04/1995: Tập đoàn Công nghệ Cao su Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 252/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
● Năm 2006: Chính phủ quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
● Ngày 26/12/2017: Sau nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức và tên gọi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghệ Cao su Việt Nam.
● Ngày 21/03/2018: Là ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 13,000 đ/CP.
● Ngày 01/06/2018: Chính thức chuyển qua hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần
● Ngày 09/03/2020: Ngày hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
● Ngày 17/03/2020: Ngày đầu tiên cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu 11,570 đ/CP.
● Ngày 17/12/2021, Tập đoàn tổ chức Hội nghị bàn giao doanh nghiệp cổ phần hóa sang công ty cổ phần đối với công ty mẹ – Tập đoàn cùng 20 công ty TNHH MTV, 4 đơn vị sự nghiệp.

1.3. Lĩnh vực kinh doanh
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoạt động trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm:
● Trồng, Khai thác, Chế biến và Tiêu thụ cao su;
● Công nghiệp cao su;
● Chế biến gỗ;
● Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp;
● Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

1.4. Các công ty con và công ty liên kết

Trích: Báo cáo thường niên GVR 2022

GVR là một tập đoàn hoạt động đa ngành đa lĩnh vực, với 100 công ty con được hợp nhất và 15 công ty liên kết được hợp nhất.
Trong đó:
● 24 công ty con do doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn cổ phần, chủ yếu trong số này các công ty TNHH MTV hoạt động trong ngành nghề trồng, khai thác và chế biến cao su. Các công ty còn lại hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, báo chí gắn liền với cao su và nông nghiệp.
● 76 công ty con còn lại mà doanh nghiệp nắm giữ cổ phần và chi phối là các công ty Cổ phần, công ty TNHH hoạt động trong lĩnh vực trong khai thác cao su, trồng khai thác gỗ và đầu tư xây dựng.
● 15 công ty liên kết bao gồm các công ty xây dựng, kinh doanh bất động sản ngoài các công ty hoạt động trong sản xuất và chế biến cao su.
1.5. Cơ cấu cổ đông

Trích: Báo cáo thường niên GVR 2022

● Nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần của GVR, cụ thể là 96,77% cổ phần.
● Các cổ đông khác bao gồm các cổ đông trong nước và nước ngoài chỉ nắm giữ 3,23% cổ phần.
● Ban lãnh đạo nắm giữ 0.02% cổ phần của công ty.
● Phần góp vốn đầu tư của Nhà nước được ủy quyền cho các thành viên trong HĐQT, trong đó Chủ tịch HĐQT Trần Công Kha nắm giữ nhiều cổ phần nhất, với 38,7% cổ phần được Nhà nước Ủy quyền và một phần nhỏ 0.0001% cổ phần là cá nhân ông sở hữu.
● Các thành viên trong Ban giám đốc, Ban kiểm soát và Kế toán trưởng cũng nắm giữ cổ phiếu của công ty.

Trích: Báo cáo thường niên GVR 2022

1.6 Ban lãnh đạo
Gồm Hội đồng quản trị (8 thành viên), Ban giám đốc (6 thành viên) và Ban kiểm soát (3 thành viên).

Ông Trần Công Kha là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Công nghiệp cao su.
Ông Lê Thanh Hưng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty.
Ông Đỗ Khắc Thăng là Trưởng ban Kiểm soát của công ty.
1.7. Quá trình tăng vốn điều lệ
Kể từ khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP chưa thực hiện tăng vốn điều lệ.
1.8. Lịch sử chi trả cổ tức
Kể từ khi niêm yết và phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng, GVR đã có 5 lần trả cổ tức (đểu bằng tiền mặt).
GVR trả cổ tức lần đầu tiên vào ngày 26/08/2019 ở mức 250 đồng/CP. Lần gần nhất công ty trả cổ tức là 08/12/2023 ở mức 350 đồng/cổ.
GVR trả cổ tức đều đặn hàng năm, từ năm 2019 đến 2023, với mức chi trả cao nhất là 600 đồng/ CP vào năm 2020 và 2021.

2. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY
2.1. Bảng cân đối kế toán

Trích: Báo cáo tài chính GVR tại 31/12/2022
Theo thông tin trong Báo cáo tài chính đến hết 31/12/2022, Tổng tài sản của Tập đoàn đạt 78377 tỷ đồng, giảm 637 tỷ (tương đương 2.75%) so với năm 2021. Nhìn chung, tổng tài sản không có sự thay đổi quan trọng nào trong những năm trở lại đây.

Trong cơ cấu tổng tài sản thì tài sản ngắn hạn là 23396 tỷ đồng (chiếm 29.85% tổng tài sản) và tài sản dài hạn là 54981 tỷ đồng (tương đương 70.15% tổng tài sản). Cơ cấu tài sản này là phù hợp với đặc thù của ngành: tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng rất lớn do các công ty có nhiều tài sản cố định là các vườn trồng cây cao su cho giá trị rất lớn.

2.1.1. Tài sản ngắn hạn
Tiền và khoản tương đương tiền có giá trị là 4370 tỷ đồng, chiếm 5.58% tài sản công ty, giảm 933 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 17.6%).

Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 11212 tỷ đồng, chiếm 14.3% tổng tài sản, tăng 932 tỷ so với năm 2021 (tương đương tăng 9.07%). Đây hầu hết là các khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) tại các ngân hàng.

Các khoản phải thu ngắn hạn là 2732 tỷ đồng (chiếm 3.49% tổng giá trị tài sản công ty). Các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm: Phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1449 tỷ đồng (chiếm 1.85%); Trả trước cho người bán ngắn hạn là 449 tỷ đồng (chiếm 0.57%); Phải thu về cho vay ngắn hạn là 10.5 tỷ; Dự phòng phải thu khó đòi là (236) tỷ; Tài sản thiếu chờ xử lý là 36 tỷ và phải thu ngắn hạn khác là 1023 tỷ (chiếm 1.31%.).
Phải thu ngắn hạn của khách hàng chủ yếu đến từ các khoản phải thu khách hàng về hoạt động gia công chế biến mủ cao su, sản xuất các sản phẩm từ gỗ (433 tỷ); phải thu khách hàng mua mủ cao su nội địa và cao su xuất khẩu lần lượt là 353 và 263 tỷ đồng.

Phải thu ngắn hạn khác chủ yếu là các khoản lãi dự thu (146 tỷ); lãi vay phải thu về cho vay (134 tỷ), tạm ứng (101 tỷ) và phải thu ngắn hạn khác (494.5 tỷ).

Trả trước cho người bán chủ yếu là các khoản Trả trước cho người bán về thi công, xây lắp công trình (222 tỷ); Trả trước người bán khác (112 tỷ) và Trả trước người bán về dịch vụ nội điạ được cung cấp (59 tỷ).

Hàng tồn kho đến 31/12/2022 là 4116 tỷ đồng (chiếm 5.25% tổng giá trị tài sản Tập đoàn), tăng 18.58% so với năm 2021. Trong đó bao gồm: hàng mua đang đi đường (16 tỷ), nguyên vật liệu (223 tỷ), công cụ dụng cụ (239 tỷ), chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (768 tỷ), thành phẩm (2514 tỷ), hàng hóa tồn kho (422 tỷ), hàng gửi bán (17.6 tỷ). Tổng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho là (101) tỷ, trong đó dự phòng cho thành phẩm tồn kho là lớn nhất (71) tỷ.
Thành phẩm tồn kho là hàng tồn kho chính của doanh nghiệp, trị giá 2514 tỷ. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang xếp thứ hai, trị giá 768 tỷ. Hàng tồn kho biến động chủ yếu do các khoản Nguyên liệu, vật liệu tồn kho tăng 110 tỷ; Chi phí SXKD dở dang tăng 50 tỷ; trong khi Thành phẩm tồn kho giảm 700 tỷ và Hàng hóa tồn kho giảm 170 tỷ.

Ngoài ra, công ty có 966 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác bao gồm chi phí trả trước ngắn hạn 64 tỷ, thuế VAT được khấu trừ 517 tỷ, thuế và các khoản phải thu khác 385 tỷ.
2.1.2. Tài sản dài hạn

Tài sản dài hạn của GVR tính đến 31/12/2022 là 54981 tỷ đồng, giảm 1264 tỷ so với năm 2021 (tương đương giảm 2.25%). Trong đó có tài sản cố định là 33944 tỷ chiếm 43.41% tổng tài sản, bất động sản đầu tư 1419 tỷ chiếm 1.81%, tài sản dở dang dài hạn 12,095 tỷ chiếm 15.43 %, đầu tư tài chính dài hạn 2823 tỷ chiếm 3.6% và các tài sản dài hạn khác 4026 tỷ chiếm 5.14%.
Tài sản cố định hữu hình của công ty đạt 33825 tỷ đồng, chiếm 43.16% tổng tài sản, tăng 1385 tỷ đồng so với năm tài chính 2021 (tương ứng tăng 4.25%). Tài sản cố định hữu hình chủ yếu bao gồm: nhà cửa vật kiến trúc (5528 tỷ), máy móc thiết bị (2247 tỷ), phương tiện vận tải (626 tỷ), thiết bị dụng cụ quản lý (35.5 tỷ) và vườn cây kinh doanh là tài sản cố định quan trọng nhất của doanh nghiệp, trị giá 25360 tỷ đồng.

Tài sản cố định vô hình bao gồm Quyền sử dụng đất; Bản quyền, bằng sáng chế; Phần mềm, bản quyền máy tính và Tài sản cố định vô hình khác. Trong đó quyền sử dụng đất là tài sản cố định vô hình quan trọng nhất, có giá trị là 123 tỷ đồng.

Bất động sản đầu tư là 1419 tỷ đồng, giảm 59 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó chủ yếu là cơ sở hạ tầng có giá trị là 1249 tỷ.

Tài sản dở dang dài hạn là 12095 tỷ đồng, chiếm 15.43% tổng tài sản, giảm 2635 tỷ (tương đương giảm 17.89%) so với 2021. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn là 193 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang (bao gồm vườn cây cao su, nhà máy chế biến, đường giao thông, cơ sở hạ tầng và chi phí xây dựng cơ bản dở dang khác) là 11902 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang chủ yếu là các vườn cây cao su với trị giá là 10058 tỷ đồng. Trong năm tài chính 2022, GVR đứng ra bảo lãnh vay vốn cho nhiều công ty con đang thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản dở dang, ví dụ như đầu tư xây dựng cơ bản dở dang của công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, Công ty CP Cao su Đồng Nai, Điện Biên, Sơn La, Hương Khê, Lai Châu II,…

Tài sản dài hạn khác có giá trị là 4026 tỷ đồng, chiếm 5.14% tổng tài sản. Trong đó bao gồm chi phí trả trước dài hạn (3073 tỷ); tài sản thuế thu nhập hoãn lại (168 tỷ); thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn (118 tỷ) và lợi thế thương mại (37 tỷ).
Trong đó, chi phí trả trước dài hạn của GVR chủ yếu là khoản Trả trước tiền thuê đất, trị giá 2782, tăng 720 tỷ so với năm 2021. Đáng chú ý, chi phí đền bù của công ty giảm từ 865 tỷ năm 2021 xuống còn 113 tỷ năm 2022.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp là 24911 tỷ đồng (chiếm 31.78% tổng nguồn vốn), giảm 2163 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng giảm 8%). Vốn chủ sở hữu là 53466 tỷ đồng (tương đương 68.22% tổng nguồn vốn), tăng 1526 tỷ so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 2.94%).

2.1.3. Nợ phải trả
2.1.3.1. Nợ ngắn hạn
Trong nợ phải trả, nợ ngắn hạn là 10368 tỷ, chiếm 41.6% tổng nợ phải trả, giảm 499 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương giảm 4.59%).
Phải trả người bán ngắn hạn là 917 tỷ đồng, tăng 64 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái.

Người mua trả tiền trước ngắn hạn là 524.5 tỷ đồng, tăng 55.5 tỷ so với năm 2021. Người mua trả tiền trước ngắn hạn chủ yếu là các khoản đặt cọc hoặc tài trợ của khách hàng cho doanh nghiệp về mua mủ cao su nội địa (203.5 tỷ) và về mua mủ cao su xuất khẩu (133.8 tỷ).

Thuế và các khoản nộp Nhà nước là 617 tỷ, tăng 102 tỷ so với năm 2021.
Phải trả người lao động là 1431 tỷ đồng, giảm 614 tỷ so với năm 2021 (tương đương giảm 30%).
Chi phí phải trả ngắn hạn là 432 tỷ đồng, giảm 42 tỷ so với năm 2021.

Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn là 324 tỷ đồng, tăng 22 tỷ so với năm 2021, chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê hạ tầng, khu dân cư (290 tỷ).

Phải trả ngắn hạn khác là 1637 tỷ đồng, giảm 390 tỷ so với cùng kỳ năm trước (tương đương giảm 19.25%). Trong đó chủ yếu là các khoản phải trả cổ tức, lợi nhuận phải trả (266 tỷ) và các khoản phải trả, nộp khác (1137 tỷ).

Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2817 tỷ đồng, tăng 155 tỷ so với năm 2021. Trong đó bao gồm các khoản đi vay ngắn hạn (1013 tỷ) và nợ dài hạn đến hạn trả (1804 tỷ).

Dự phòng phải trả ngắn hạn là 2.9 tỷ đồng.
Quỹ khen thưởng phúc lợi là 1665 tỷ đồng, tăng 169 tỷ so với cùng kỳ năm trước. GVR là công ty chú trọng vào công tác thi đua, khen thưởng. Các công ty con trong Tập đoàn được nhóm thành các khối thi đua, để thúc đẩy hoạt động sản xuất và tuân thủ pháp luật của Chính phủ, và Nhà nước. Với số lượng công ty con và công ty liên kết lên đến 115 công ty, số lượng nhân viên của GVR được trao thưởng qua các năm, không riêng năm 2022, là rất lớn.
2.1.3.2. Nợ dài hạn
Nợ dài hạn có giá trị là 14543 tỷ, chiếm 58.4% tổng nợ phải trả, giảm 1664 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương giảm 10.27%).
Người mua trả tiền trước dài hạn là 101 tỷ đồng, tăng 14 tỷ so với năm 2021.

Chi phí phải trả dài hạn là 264 tỷ đồng, tăng 163 tỷ so với năm 2021 (tương đương tăng 160%). Toàn bộ chi phí phải trả dài hạn là các chi phí khác.

Doanh thu chưa thực hiện dài hạn là 9093 tỷ, chiếm 11.6% tổng nguồn vốn, tăng 107 tỷ đồng so với năm 2021. Doanh thu chưa thực hiện dài hạn của công ty chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê hạ tầng, khu dân cư (9088 tỷ đồng). Doanh thu cho thuê hạ tầng và khu dân cư có giá trị lớn là do công ty đang đẩy mạnh mảng phát triển hạ tầng KCN, ký kết được nhiều hợp đồng cho thuê mặt bằng để sản xuất công nghiệp, kinh doanh và xây dựng bất động sản. Trong đó, có rất nhiều hợp đồng thanh toán trước tiền thuê từ 10 đến 30 năm, khiến doanh thu chưa thực hiện dài hạn tăng.

Phải trả dài hạn khác là 144 tỷ đồng, giảm 50.37% so với năm 2021.

Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 4596 tỷ đồng, chiếm 5.86% tổng nguồn vốn, giảm 1748 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng giảm 27.55%). Vay dài hạn giảm nhiều do có nhiều khoản vay dài hạn đến ngày đáo hạn, khiến vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng lên.

Thuế thu nhập hoãn lại phải trả là 4291 tỷ đồng. Đây là khoản phát sinh do chênh lệch tạm thời chịu thuế của doanh nghiệp. Cơ sở tính thuế và cơ sở kế toán của các khoản mục như khấu hao tài sản cố định, chi phí trả sau (trích trước), doanh thu chưa thực hiện,… đã gây ra chênh lệch chịu thuế cho doanh nghiệp. Vì quy mô doanh thu và các khoản mục trên BCKQKD của doanh nghiệp lớn, nên khoản chênh tạm thời này cũng lớn, dẫn đến thuế thu nhập hoãn lại phải trả lớn theo.
Quỹ phát triển khoa học công nghệ là 340 tỷ đồng, giảm 58 tỷ đồng so với 2021.

2.1.4. Vốn chủ sở hữu

Trong cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của công ty là 53466 tỷ đồng (tương đương 68.22% tổng nguồn vốn), tăng 1526 tỷ so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 2.94%).
Vốn chủ sở hữu bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn, chênh lệch do đánh giá lại tài sản, các quỹ và lợi nhuận chưa phân phối. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là các cổ đông nắm giữ cổ phiếu phổ thông là 40000 tỷ đồng, chiếm 51% nguồn vốn công ty và không ghi nhận biến động trong năm 2022.

Thặng dư vốn cổ phần là 199 tỷ đồng, tăng 45 tỷ so với 2021.
Chênh lệch đánh giá lại tài sản của công ty là -1574 tỷ đồng.

Chênh lệch tỷ giá hối đoái là 254 tỷ đồng, giảm 194 tỷ so với 2021.

Quỹ đầu tư phát triển của công ty là 5089 tỷ đồng, chiếm 6.49% tổng nguồn vốn, tăng 956 tỷ đồng so với 2021(tương đương tăng 23.12%)

Lợi ích cổ đông không kiểm soát là 4433 tỷ đồng, chiếm 5.66%, tăng 382 tỷ so với cùng kỳ (tương ứng tăng 9.43%).
Nguồn kinh phí và quỹ khác là 74 tỷ đồng , trong đó nguồn kinh phí và quỹ hình thành từ tài sản cố định là 112 tỷ và nguồn kinh phí và quỹ khác là -37 tỷ.

2.2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 25484 tỷ đồng, giảm 742 tỷ so với năm 2021 (tương đương giảm 2.83%). Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty chủ yếu đến từ các nguồn: sản xuất và kinh doanh mủ cao su 18167 tỷ, chế biến gỗ 3930 tỷ, doanh thu kinh doanh bất động sản 802 tỷ, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su 790 tỷ, doanh thu từ kinh doanh điện năng 709 tỷ và doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ khác 962 tỷ.

Doanh thu từ kinh doanh mủ cao su chiếm 71.3% tổng doanh thu năm 2022. Doanh thu chế biến gỗ xếp thứ hai, đóng góp 15.4% vào tổng doanh thu. Xếp sau lần lượt là doanh thu bán sản phẩm làm từ cao su, chiếm 9.0% tổng doanh thu; doanh thu khác chiếm 4.5%; doanh thu từ bất động sản đóng góp 2.9% và doanh thu kinh doanh điện năng đóng góp 2.1%. Như vậy, doanh thu chủ yếu đến từ mảng hoạt động kinh doanh chính của công ty: trồng, khai thác và kinh doanh cao su (nông nghiệp cao su). Mặt hàng đem lại phần lớn lợi nhuận là mủ cao su và gỗ – những nguyên liệu thô được sử dụng làm đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ,…Vì sản phẩm của Tập đoàn xuất khẩu là chính (mủ cao su, gỗ cao su, sản phẩm công nghiệp cao su), nên doanh thu của doanh nghiệp phụ thuộc vào giá cả thế giới.
Giá vốn hàng bán của công ty là 19084 tỷ đồng, tăng 470 tỷ đồng so với năm 2021.

Năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp là 6342 tỷ, giảm 16.28% so với năm 2021. Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán tăng trong kỳ, trong khi doanh thu giảm, mặc dù không nhiều, đã khiến cho lợi nhuận gộp giảm. So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, mức giảm này là xu hướng chung của ngành trong năm 2022, khi hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng chính gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Biên lợi nhuận gộp của mảng sản xuất và kinh doanh mủ cao su là 26.48%; mảng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su là 6.06%; mảng chế biến gỗ là 13.82%; mảng xây dựng bất động sản, cơ sở hạ tầng là 67.7%; mảng kinh doanh điện năng là 52.9%; mảng dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn là 47.4%; mảng hoạt động kinh doanh khác là 3.9%. Mặc dù dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn có biên lợi nhuận gộp lớn, song lợi nhuận sau thuế của mảng này lại âm do chi phí quản lý doanh nghiệp (nhân sự, khấu hao tài sản cố định,..) lớn.

Lợi nhuận sau thuế của công ty là 4753 tỷ, giảm 11% so với mức 5340 tỷ của năm 2021. Lợi nhuận của công ty cũng giảm là do các yếu tố vĩ mô cả trong và ngoài nước tác động lên ngành cao su. Lãi suất được nâng lên mức cao để đối phó lạm phát, vật giá leo thang, tăng trưởng kinh tế chậm lại và đứt gãy chuỗi cung ứng do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine hậu Covid 19 đã ảnh hưởng lên ngành cao su nói chung, khiến nhu cầu sụt giảm khá mạnh. Cùng với đó, việc các thị trường xuất khẩu chính đặc biệt là Trung Quốc đối mặt với suy giảm kinh tế hậu Covid 19 đã làm ảnh hưởng đến giá cao su tự nhiên thế giới trước nỗi lo cầu giảm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận công ty. Đến cuối năm 2022, giá cao su đã giảm gần 28% từ 175 USD cents/kg tại đầu năm xuống 130.2 USD cents/kg. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá bình quân xuất khẩu của cao su Việt Nam là 154.6 USD cents/tấn, giảm 7.8% so với năm 2021.

Biểu đồ: Giá cao su thế giới năm 2022 (Theo TradingEconomics)
Nếu nhìn dưới góc độ tài chính, có thể thấy lợi nhuận sau thuế giảm là do doanh thu giảm từ 26226 tỷ xuống 25484 tỷ, trong khi giá vốn hàng bán tăng từ 18614 lên 19083 tỷ, chi phí bán hàng tăng từ 507 tỷ lên 591, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 1681 lên 1762 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính và doanh thu khác tăng là không đủ để lợi nhuận sau thuế năm 2022 về mức tăng so với năm 2021.

Xem xét cơ cấu lợi nhuận theo lĩnh vực kinh doanh, có thể thấy sản xuất và kinh doanh mủ cao su cho lợi nhuận cao nhất 3087 tỷ đồng. Chế biến gỗ và Xây dựng, bất động sản, cơ sở hạ tầng cũng đem lại lợi nhuận lớn, 451 và 514 tỷ. Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su; Dịch vụ du lịch nhà hàng, khách sạn và hoạt động kinh doanh khác, mặc dù tạo ra nhiều doanh thu, lại chịu lỗ.

2.3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đến 31/12/2022 là 1343 tỷ, thể hiện công ty có dòng tiền dương từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là (539) tỷ đồng. Công ty đang đầu tư vào nhiều dự án, nên cần số vốn lớn để mua các tài sản cố định và tài sản dài hạn khác. Bên cạnh đó, tiền chi để cho vay và mua các công cụ nợ dài hạn cũng lớn, khiến dòng tiền đầu tư âm.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là (1712) tỷ đồng. Dòng tiền tài chính âm chủ yếu do doanh nghiệp trả nợ đi vay một số tiền lớn 6454 tỷ đồng.

CHỈ SỐ TÀI CHÍNH

Hai chỉ số thanh khoản là chỉ số thanh toán ngắn hạn và hệ số thanh toán nhanh đều lớn hơn 1. Hệ số thanh toán nhanh năm 2022 là 1.86, tăng từ 1.78 của năm 2021, thể hiện công ty có khả năng đáp ứng đủ các nghĩa vụ ngắn hạn.
Tỷ số nợ của doanh nghiệp trên VCSH là 0.47, giảm từ 0.52 của năm 2021, thể hiện doanh nghiệp ít phụ thuộc hơn vào vốn vay ngoài so với năm trước.

Tuy nhiên khả năng sinh lời của GVR trong năm 2022 giảm.

3. HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023
3.1. Mục tiêu
Ngày 16/6, GVR tổ chức đại hội cổ đông thường niên thông qua chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 với tổng doanh thu 27527 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 4855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4264 tỷ đồng, so với kết quả thực hiện năm 2022 các chỉ tiêu giảm nhẹ do dự báo kinh tế khó khăn nhiều hơn thuận lợi:
● Tổng doanh thu: 27527 tỷ đồng
● Lợi nhuận trước thuế: 4855 tỷ đồng
● Lợi nhuận sau thuế: 4264 tỷ đồng

Theo số liệu trong báo cáo soát xét giữa niên độ 2023, lợi nhuận sau thuế lũy kế của công ty nửa đầu năm đạt 1460 tỷ đồng, đạt được 34.24% kế hoạch đề ra cho năm 2023.
Theo số liệu báo cáo hợp nhất quý 3 (điều chỉnh), lợi nhuận sau thuế của quý đạt 494 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 622 tỷ, và doanh thu đạt 6119 tỷ. Như vậy, đến hết quý 3, công ty đã hoàn thành được 46.13% mục tiêu về lợi nhuận sau thuế; 50.73% mục tiêu lợi nhuận trước thuế và 53.10% mục tiêu doanh thu.
Mặc dù giá cao su có chiều hướng tích cực tăng lên kể từ tháng 8/2023, với đỉnh điểm là 156 USD cents/kg vào tháng 12, song nó không tạo ra khác biệt lớn cho GVR vào quý cuối cùng của năm, với 7607 tỷ doanh thu và 547 tỷ lợi lợi nhuận sau thuế trong quý 4. Như vậy, so với mục tiêu ban đầu, GVR hoàn thành được 80.7% mục tiêu doanh thu và chỉ 59% mục tiêu lợi nhuận sau thuế trong năm 2023.

3.2. Đánh giá về lĩnh vực kinh doanh chính
Năm 2023, kinh doanh mủ cao su tiếp tục là nguồn doanh thu chính cho tập đoàn trong bối cảnh giá cao su có đà tăng khởi sắc vào cuối năm.

Nông nghiệp cao su vẫn là lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp. Song, dư địa mở rộng thị trường cho mặt hàng truyền thống của công ty – mủ cao su không còn nhiều, cả trong nước lẫn ngoài nước.
3.3. Hướng chuyển đổi sang KCN
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, doanh nghiệp đặt ra kế hoạch chuyển đổi 40000 ha đất cao su thành khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Trong đó, đến năm 2025, dự sẽ chuyển đổi 7000 đến 8000 ha đất trồng cao su. Như vậy, doanh nghiệp đang cố gắng chuyển đổi theo hướng xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Đây là lĩnh vực kinh doanh đem lại lợi nhuận sau thuế dương cho tập đoàn bên cạnh kinh doanh mủ cao su, chế biến gỗ và kinh doanh điện năng trong năm 2022.

Cụ thể, GVR đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN (bao gồm 8 công ty thành viên: Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Nam Tân Uyên, An Điền, Tân Bình, Long Khánh, Đầu tư Sài Gòn GVR, KCN Cao su Bình Long và 3 công ty liên kết) với 16 dự án, tổng diện tích hơn 6566 ha.
GVR tập trung đầu tư vào các dự án Khu công nghiệp và các dự án chế biến gỗ quy mô lớn như Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II với diện tích 344 ha (Bình Dương); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp với diện tích 317ha (Bình Phước); Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng với quy mô 360ha (Bình Dương); Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh – giai đoạn I với diện tích 95,17ha (Tây Ninh); Dự án Khu công nghiệp Minh Hưng III mở rộng với quy mô 577,53 ha (Bình Phước)….
Với quỹ đất quản lý khoảng 407,8 nghìn ha, trong đó có 394,7 nghìn ha đất cao su trải rộng trên hàng chục tỉnh thành, Tập đoàn sẽ có lợi thế trong việc chuyển đổi đất cao su sang phát triển KCN như tiết kiệm thời gian và chi phí đền bù so với các KCN khác, giúp giá cho thuê đất cạnh tranh hơn…Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất trồng gặp phải một số rủi ro về pháp lý do luật chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng chưa thực sự hoàn thiện, có thể gây ra chậm trễ trong việc xin cấp phép và làm thủ tục chuyển đổi đất trồng. Hơn nữa, một số địa phương đang hạn chế cho phép chuyển đổi đất trồng thành đất công nghiệp do lo ngại vấn đề môi trường. Điều này có thể ảnh hưởng đến phạm vi mở rộng theo hướng đầu tư KCN của công ty.
Với những lợi thế hiện có về tài sản (tiền mặt và quỹ đất) lớn, nguồn vốn chủ sở hữu lớn, tỷ lệ nợ thấp, đây có thể là một hướng chuyển đổi đem lại nhiều kết quả kinh doanh tích cực cho doanh nghiệp.
Vì các dự án mới được triển khai và đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện, chưa có con số cụ thể và rõ ràng nào về kết quả đầu tư theo hướng KCN.
4. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ MÃ CỔ PHIẾU GVR
4.1. Tích cực:
GVR có chất lượng tài sản tương đối tốt với quỹ đất lớn, sở hữu nhiều vườn cây trồng cao su cho năng suất cao ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Quỹ đất lớn giúp công ty có lợi thế khi chuyển hướng sang nhiều lĩnh vực khác như hạ tầng khu công nghiệp.
Mức độ tự chủ tài chính tương đối cao với tỷ lệ nợ vay thấp.
GVR được sự hẫu thuẫn rất lớn từ nhà nước, với vốn đầu tư của nhà nước chiếm hơn 95% cơ cấu VCSH.
4.2. Tiêu cực
Khả năng sinh lời được duy trì ở mức khá ổn định, tuy nhiên đang có xu hướng giảm và chưa thực sự tương xứng với chất lượng và quy mô tài sản, nguồn vốn mà công ty sở hữu.
Có một số lĩnh vực kinh doanh cho doanh thu cao nhưng chịu lỗ, trong đó có mảng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cao su là một trong những hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp có lợi nhuận âm.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trải rộng trên nhiều địa bàn kể cả ở nước ngoài, một số sản phẩm chiếm thị phần lớn ở thị trường trong nước. Vì vậy không tránh khỏi những rủi ro tiềm tàng gắn liền với đặc điểm của từng ngành, từng lãnh thổ và từng điều kiện kinh tế.