PHÂN TÍCH MÃ CỔ PHIẾU FRT
CÔNG TY BÁN LẺ KỸ THUẬT SỐ FPT

1. GIỚI THIỆU CHUNG:

1.1. Thông tin chung

– Tên đầy đủ: Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT.
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0311609355 ngày 8 tháng 3 năm 2012.
– Vốn điều lệ: 1.184.725.350.000 VNĐ (Một nghìn một trăm tám mươi bốn tỷ bảy trăm hai mươi lăm triệu ba trăm năm mươi nghìn đồng).
– Điện thoại: 028 7302 3456
– Email: investor@frt.vn
– Trụ sở chính: 261 – 263 Khánh Hội, Phường 5, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Website: frt.vn
– Mã cổ phiếu: FRT (HOSE)
1.2. Quá trình hình thành và phát triển

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT – FPT Retail được thành lập từ năm 2012 với vốn điều lệ là 88.5 tỷ đồng. Đây là công ty liên kết của Tập đoàn FPT, sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop, F.Studio By FPT và 1 công ty con là Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu.
Ngày 26/4/2018, cổ phiếu của FPT Retail chính thức niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng Khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã FRT.

1.3. Lĩnh vực kinh doanh
Hiện nay, ngành nghề kinh doanh chính của FPT Retail là: bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm, thiết bị viễn thông, dược phẩm, dụng cụ y khoa, mỹ phẩm… trong các cửa hàng chuyên doanh trải khắp 63 tỉnh thành toàn quốc.
FPT Retail sở hữu hai chuỗi bán lẻ và 1 công ty con, cụ thể như sau:
Hệ thống bán lẻ – FPT Shop: Là chuỗi chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện và dịch vụ công nghệ… FPT Shop là hệ thống bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay FPT Shop là chuỗi bán lẻ lớn thứ 2 trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ.
Hệ thống bán lẻ – F.Studio by FPT: Là chuỗi cửa hàng ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam ở cấp độ cao nhất, chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple. FRT là công ty đầu tiên có chuỗi bán lẻ với mô hình cửa hàng chuẩn của Apple, bao gồm: AAR (Apple Authorised Reseller) và iCorner.
Công ty cổ phần dược phẩm – FPT Long Châu: Sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu chuyên kinh doanh dược phẩm, dụng cụ y khoa, thực phẩm chức năng chính hãng. FPT Long Châu có ưu thế về giá cả cạnh tranh, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn cùng đội ngũ dược sĩ có trình độ chuyên môn cao và được đào tạo bài bản.

1.4. Cơ cấu cổ đông
Tính đến 08/06/2022, cơ cấu cổ đông của FRT như sau: 19.49% cổ đông nước ngoài, chủ yếu là các tổ chức; 80.51% cổ đông trong nước, trong đó 33.44% là cổ đông cá nhân và 47.06% là cổ đông tổ chức, và không có cổ đông nhà nước. Toàn bộ cổ phiếu đã phát hành đều là cổ phiếu phổ thông, cụ thể 118,472,535 cổ phiếu.

CTCP FPT Retail có hai cổ đông lớn là Công ty Cổ phần FPT với 55 triệu cổ phiếu nắm giữ (khoảng 46.5%) và Công ty Cổ phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam với gần 10 triệu cổ phiếu nắm giữ (chiếm 8.1%).

Trong quá trình hình thành và phát triển, FRT đã nhiều lần tăng vốn điều lệ. FRT được thành lập với vốn điều lệ là 88 tỷ VNĐ. Hiện tại, tính đến 08/06/2023, FRT đã tăng vốn điều lệ lên 1,185 tỷ đồng.

1.5. Ban lãnh đạo
Hiện nay, chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Nguyễn Bạch Diệp (0,5% cổ phần), đã đồng hành trọn vẹn cùng FPT Retail trong suốt 10 năm hình thành và phát triển. Dưới sự dẫn dắt của bà, FPT Shop và FPT Long Châu đã trở thành những chuỗi bán lẻ sản phẩm hàng đầu Việt Nam. Tổng giám đốc là ông Hoàng Trung Kiên, có kinh nghiệm công tác tại FRT 22 năm. Ông là thành viên “nòng cốt” dẫn dắt FRT đi qua giai đoạn khó khăn thời kỳ Covid 19 cũng như hậu đại dịch.

1.6. Cổ tức:

Những năm trở lại đây, FRT trả cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu mỗi năm một lần. Với cổ tức năm 2022, FPT có 1 đợt trả cổ tức bằng tiền 500 đồng cho mỗi cổ phiếu và có 1 đợt phát hành khoảng 17.7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022. Năm 2020, FRT không trả cổ tức.

2. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY
2.1. Về tài sản Bảng cân đối kế toán

(Đơn vị: Triệu đồng)


2.1.1. Về tài sản

Tổng tài sản của công ty thời điểm 31/12/2022 là 10,523 tỷ đồng, giảm 296 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng giảm 2.74%). Trong đó Tài sản ngắn hạn là 9,326 tỷ đồng, chiếm 88.63% và tài sản dài hạn 1,197 tỷ đồng chiếm 11.37% tổng tài sản.

a. Đánh giá tài sản ngắn hạn:
Thời điểm 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của Công ty giảm 858 tỷ đồng (tương ứng 8.43%) so với năm 2021. Cơ cấu tài sản gồm:
– Tiền và các khoản tương đương tiền: tại thời điểm 31/12/2022 là 745 tỷ đồng, giảm 359 tỷ đồng (tương đương 32.54%) so với năm 2021, cụ thể: tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn giảm từ 585 tỷ đồng xuống 204 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền (gồm tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc từ 1 đến 3 tháng với lãi suất 6%/năm) giảm từ 425 tỷ đồng xuống 295 tỷ đồng (tương đương 33.75%).

– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: tại thời điểm 31/12/2022 là 1,119 tỷ đồng, chiếm 10.63% tổng tài sản, giảm 701 tỷ so với năm 2021 (tương ứng mức giảm 38.53%). Đây là các khoản đầu tư tài chính có thời hạn trên 3 tháng như tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng với lãi suất được quy định cụ thể cho từng khoản tiền gửi.

– Các khoản phải thu ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2022 của Công ty là 538 tỷ đồng chiếm 5.11% tổng tài sản; giảm 1,410 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 72.37%), bao gồm: các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 89 tỷ, trả trước người bán 73 tỷ, các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 40 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn khác 342 tỷ, và các khoản dự phòng (-7) tỷ.
+ Phải thu ngắn hạn của khách hàng: tăng 8.8 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 11.02%), trong đó, khoản phải thu ngắn hạn của bên thứ ba là 84 tỷ đồng, chiếm 94.38%, , FRT không có khách hàng nào có số dư chiếm hơn 10% trên tổng số dư các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Bên cạnh đó, phải thu ngắn hạn của bên liên quan là Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT và một số bên liên quan khác là 5 tỷ đồng.

+ Trả trước cho người bán ngắn hạn: giảm 54 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 42.68%). Trong đó, khoản trả trước cho người bán khác là 56 tỷ. Đặc biệt, FPT Retail đã thanh toán khoản trả trước 51 tỷ của năm 2021 cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến và không còn số dư.

+ Phải thu về cho vay ngắn hạn giảm 1,520 tỷ đồng (tương ứng 97.44%) so với năm 2021. FPT Retail đã thu hồi được khoản phải thu từ cho vay không tài sản đảm bảo thời hạn dưới 6 tháng của bên liên quan là Công ty Cổ phần FPT, cụ thể giảm từ 1,520 tỷ đồng xuống 40 tỷ đồng, đồng thời thu hồi hết khoản vay 40 tỷ đồng của bên thứ ba.

+ Phải thu ngắn hạn khác tăng 155 tỷ đồng (tương ứng 83.14%) trong năm 2022. Trong đó, khoản phải thu của bên liên quan là Công ty Cổ phần FPT là 1 tỷ đồng, giảm 13,074 tỷ đồng (gần 99%) so với 2021; phải thu các bên thứ ba là 340 tỷ đồng.

+ Khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 606 triệu đồng (tương ứng 7.82%) so với năm 2021.

– Hàng tồn kho của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 6,525 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản của Công ty, tăng 1,549 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 30.14%). Trong đó, hàng hóa trị giá 6,487 tỷ.

Ngoài ra, công ty có 440 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác, bao gồm chi phí trả trước ngắn hạn 260 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) được khấu trừ 157 tỷ.

b. Đánh giá tài sản dài hạn:

Tài sản dài hạn của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 1,197 tỷ đồng, chiếm 11.37% tổng tài sản Công ty, tăng 561 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 88.42%). Trong đó: Tài sản cố định hữu hình là 675 tỷ đồng (chiếm 6.42% tổng tài sản), tài sản cố định vô hình là 172 tỷ (chiếm 1.64% tổng tài sản), tài sản dở dang dài hạn là 1.8 tỷ, phải thu dài hạn khác là 170 tỷ (chiếm 1.62% tổng tài sản), tài sản dài hạn khác là 177 tỷ (chiếm 1.69% tổng tài sản).
– Tài sản cố định hữu hình của Công ty tăng 382 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 130%), chủ yếu bao gồm: (1) Nhà cửa, vật kiến trúc; (2) Máy móc, thiết bị; (3) Phương tiện vận tải và (4) Thiết bị văn phòng. Trong đó, đa số là nhà cửa và vật kiến trúc trị giá 648 tỷ đồng khi số lượng nhà thuốc Long Châu được mở trong năm 2022 tăng lên đáng kể.

– Tài sản cố định vô hình của FPT tăng 16 tỷ rưỡi so với năm 2021 (tương ứng 10.63%), đây là các khoản gồm: (1) Quyền sử dụng đất và (2) Phần mềm máy vi tính.

– Chi phí trả trước dài hạn là 177 tỷ đồng, tăng 128 tỷ đồng (tương ứng 259%) so với năm 2021, chủ yếu là tiền thuê đất trả trước một lần 106 tỷ cho mục đích xây dựng nhà kho.

2.1.2. Phân tích nguồn vốn:

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng nguồn vốn của FRT là 10,523 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải trả là 8,474 tỷ đồng chiếm 80.53% tổng nguồn vốn của FRT; Vốn chủ sở hữu là 2,049 tỷ đồng chiếm 19.47%.

(1) Nợ phải trả:
Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của FRT là 8,474 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ngắn hạn là 8,474 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 86.7 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2021, nợ phải trả của FRT đã giảm 18.54%.
a) Nợ ngắn hạn: Tại thời điểm 31/12/2022 Nợ ngắn hạn của FPT là 8,474 tỷ, giảm 666 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 7.29%). Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, khoản vay ngắn hạn 6,047 tỷ đồng chiếm 63.29% tổng giá nợ ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn trị giá 2,307 tỷ đồng (tương ứng 27.23%) và khoản phải trả người lao động là 535 tỷ đồng (tương ứng 6.32%).

– Vay ngắn hạn của Công ty là 5,363 tỷ đồng, chiếm 50.96% tổng nguồn vốn, giảm 648 tỷ đồng (tương ứng 11.31%) so với đầu kỳ. Đây là các khoản vay ngân hàng không có tài sản đảm bảo với thời hạn dưới 1 năm và lãi suất quy định theo từng khế ước vay nhằm bổ sung vốn lưu động cho Công ty và các công ty con. Trong đó, khoản vay Ngân hàng TNHH HSBC Việt Nam 1,077 tỷ đồng là lớn nhất, ngoài ra FRT còn có khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng khác có giá trị từ 14 tỷ đến 844 tỷ. Bên cạnh đó, các khoản vay năm 2021 ở các ngân hàng: Ngân hàng TNHH HSBC Hong Kong, ngân hàng TNHH MTV ANZ Singapore và ngân hàng TNHH Standard Chartered Singapore đều đã được thanh toán vào năm 2022.

– Phải trả người bán ngắn hạn: giảm 65 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 2.75%). Trong đó, phải trả cho Công ty TNHH Apple Việt Nam là 1,223 tỷ đồng, phải trả cho Công ty TNHH Phân phối Synnex FPT là 77 tỷ đồng và phải trả cho các người bán khác 977 tỷ đồng. Ngoài ra FRT còn phải trả bên liên quan là Công ty TNHH Phần mềm FPT 23 tỷ đồng.

b) Nợ dài hạn: của Công ty tại thời điểm 31/12/2022 là 86.7 triệu đồng.
2.2.2. Vốn chủ sở hữu: Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của FRT là 2,049 tỷ đồng (chiếm 19.47% tổng nguồn vốn), tăng 370 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 22.04%). Trong đó: Vốn góp của chủ sở hữu là: 1,184 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 823 tỷ đồng và lợi ích cổ đông không kiểm soát 41 tỷ đồng.

Qua bảng cân đối kế toán của FRT ta thấy, cuối năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của FRT giảm 296 tỷ đồng (tương đương 2.74%) so với thời điểm đầu năm. Mức giảm này chủ yếu đến từ việc các khoản phải thu ngắn hạn, chủ yếu là phải thu về cho vay ngắn hạn, đã giảm 97.44% kể từ đầu năm. Ngoài ra tiền và các khoản tương đương tiền cũng như các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm lần lượt 32.54% và 38.53%. Tài sản của FPT Retail phần lớn là tài sản ngắn hạn, hàng tồn kho ngày càng chiếm tỷ trọng cao (61.61%).
Nhìn chung, nguồn vốn của Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT phần lớn là nợ phải trả, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng nhằm mục đích mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu.

2.3. Kết quả hoạt động SXKD:
Đơn vị: triệu đồng

– Đầu năm 2022, FRT đặt kế hoạch doanh thu thuần là 27,000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 30% so với thực hiện trong năm 2021. Cuối năm 2022, doanh thu thuần của FRT đạt 30,166 tỷ đồng, tăng 7,670 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương 34.1%), hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Doanh thu của công ty đến từ hoạt động bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, trong đó, doanh thu thuần từ chuỗi FPT Shop là 20,689 tỷ đồng, chiếm 68.6% và doanh thu thuần từ FPT Long Châu là 9,596 tỷ đồng, chiếm 31.4%.

– Giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ là 25,462 tỷ đồng, tăng 6,119 tỷ đồng (tương đương 31.63%) so với năm 2021.

+ Năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp là 4,703 tỷ đồng, tăng 1,551 tỷ đồng (tương đương 49.24%) so với năm 2021.
+ Biên lợi nhuận gộp năm 2022 là 15.59%, tăng 11.29% so với năm 2021.

+ Doanh thu đến từ hoạt động tài chính của FRT là 173 tỷ đồng, giảm 23 tỷ đồng (tương đương 12.06%) so với năm 2021, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, cho vay trị giá 147 tỷ đồng.

– Chi phí kinh doanh có mức tăng đáng kể:
+ Chi phí bán hàng tăng 1,188 tỷ đồng, tương ứng 57.37%.
+ Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 301 tỷ đồng, tương ứng 51.54%.
– Chi phí tài chính tăng 110 tỷ đồng, tương ứng 75.27% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân đến từ chi phí lãi vay tăng nhanh, lỗ chênh lệch tỷ giá tăng so với năm trước.

Lợi nhuận sau thuế của FRT là 398 tỷ đồng, giảm 10.32% so với mức 443 tỷ của năm 2021, nguyên nhân là do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh vì bị ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn.
Nhìn chung, có thể thấy, doanh thu của FRT đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ và bán hàng hóa, lợi nhuận sau thuế năm 2022 không tăng trưởng như kỳ vọng do các yếu tố bất lợi trong quý 4, dẫn tới nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt đến từ chuỗi FPT Shop khi nhu cầu mua sắm các sản phẩm ICT tiếp tục giảm và khó dự báo về thời gian hồi phục.

2.4. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đến 31/12/2022 là -1,507 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là 1,860 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần tư hoạt động tài chính là -712 tỷ đồng.
2.5. Chỉ số tài chính:

3. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023 CỦA FRT
3.1. Kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2023 của FRT:
Năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố trong quý 4/2022 như sức mua ICT giảm mạnh, chi phí tài chính tăng cao, thị trường mua trả góp suy giảm… Do đó, FRT gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là từ chuỗi FPT Shop. Đối với các mặt hàng dược phẩm, FRT đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số về doanh thu cho mảng này.
FRT đặt mục tiêu cho năm 2023: doanh thu thuần đạt 34,000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022; Lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2022.

Cụ thể, kế hoạch của FPT Retail cho từng mảng hoạt động như sau:
Kế hoạch chuỗi FPT Shop: FRT thận trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng do tình hình khó khăn. FRT sẽ chủ động đưa ra nhiều chính sách/chương trình khuyến mại, trợ giá để tiếp tục giữ thị phần. Mặt khác, FRT sẽ tập trung từng bước cải thiện lãi gộp bằng cách mở bán các mặt hàng gia dụng trong các cửa hàng FPT shop hiện hữu, cho đến nay số lượng cửa hàng FPT Shop bán hàng gia dụng đã đạt hơn 300 cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2023 đạt 600 cửa hàng. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo nhân viên để tăng trải nghiệm khách hàng.
Kế hoạch chuỗi Long Châu: Với tình hình khả quan, năm 2023 Long Châu dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, nâng tổng số tại cuối năm 2023 dự kiến từ 1,400-1,500 nhà thuốc. Bên cạnh đó là các dịch vụ cộng thêm, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để đưa đến khách hàng trải nghiệm tốt nhất về chăm sóc sức khỏe nói chung. Liên tục tuyển dụng, đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực của đội ngũ Dược sĩ để khách hàng có lòng tin vào Long Châu.
3.2. Đánh giá kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của FRT năm 2023:
3.2.1. Đánh giá kết quả kinh doanh tổng quan FRT:
Tính đến hết Q3/2023, FRT ghi nhận doanh thu thuần là 8,235 tỷ đồng, tăng 6.8% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc T9/2023, lũy kế doanh thu của FRT là 23,159 tỷ đồng, tăng trưởng đạt mức 6.7%, theo sát kế hoạch đề ra trong Đại hội cổ đông thường niên.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng năm 2023 ghi nhận lỗ 225 tỷ đồng. Lý giải cho vấn đề này, FPT Retail cho rằng sự mở rộng của công ty con là Công ty cổ phần Dược phẩm Long Châu (584 cửa hàng mới so với Q3/2022) đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng doanh thu. Song, do đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chưa có đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận. Ngoài ra, chuỗi FPT Shop còn gặp những khó khăn đến từ mảng bán lẻ ICT, tổng quan thị trường bán lẻ trong quý 3 vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc đứt gãy nguồn cung do các nhà máy tại Trung Quốc đóng cửa chống dịch, dẫn đến doanh thu lũy kế chuỗi FPT Shop 9 tháng đầu năm 2023 giảm.

Như vậy, về cơ cấu, trong năm 2023, đóng góp của mảng kinh doanh dược phẩm và y tế vào doanh thu của FPT Retail ngày càng tăng. Chuỗi nhà thuốc Long Châu được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cho FPT Retail trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chuỗi FPT Shop ghi nhận doanh thu và biên lợi nhuận giảm trong 9 tháng đầu năm do thị trường bán lẻ ICT chưa hồi phục.

3.2.2. Đánh giá kết quả kinh doanh và triển vọng của chuỗi FPT Shop:
Tính đến hết quý 3 năm 2023, chuỗi FPT Shop sở hữu 791 cửa hàng trên toàn hệ thống, thị phần đứng thứ 2 sau Thế giới di động về thị trường điện tử và đứng đầu về mảng bán lẻ Laptop tại Việt Nam, bao phủ 31% thị phần Laptop Việt Nam sau Thế giới di động (MWG).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu chuỗi FPT Shop giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 12,222 tỷ đồng do áp lực cạnh tranh cao khi sức mua suy yếu. Đứng trước chiến lược giá rẻ từ ông lớn Thế giới di động, chuỗi FPT Shop chịu ảnh hưởng nặng nề và ghi nhận lỗ tới 387 tỷ trong 9 tháng đầu năm (so với mức lãi 267.4 tỷ cùng kỳ). Dù vậy, FPT Retail cho rằng mức giảm này vẫn thấp hơn so với thị trường chung.
Về F.Studio by FPT – chuỗi kinh doanh Apple chính hãng tại Việt Nam, ngày 18/03/2023, F.Studio by FPT tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh bằng việc khai trương cùng lúc 6 cửa hàng chuẩn Apple quốc tế, tập trung nhiều ở các tỉnh thành phía Bắc. Tính đến hiện tại, có 33 cửa hàng F.Studio được Apple ủy quyền cấp độ Apple Authorized Resellers, giúp người dùng tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm của Apple. Với sự ra mắt của iPhone 15 series, doanh số được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với dòng sản phẩm tiền nghiệm.
Song, tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp cho rằng trong ngắn hạn khi thị trường hạ thì FPT Shop cũng sẽ hạ giá để bán được hàng, đáp ứng nhu cầu cho khách hàng và không chú trọng chạy theo cuộc chiến về giá. Trong dài hạn, FPT Retail sẽ xem xét chuyển dịch cơ cấu sản phẩm (ví dụ mở rộng bán hàng gia dụng), trình bày lại bố cục cửa hàng… để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thị trường chung gặp khó.

3.2.3. Đánh giá kết quả kinh doanh và triển vọng của chuỗi nhà thuốc Long Châu:
Trong quý 3/2023, FPT Long Châu đã vượt kế hoạch mở mới năm 2023 với 447 nhà thuốc mở mới trong 9 tháng đầu năm, trong khi các chuỗi nhà thuốc khác vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2023 của chuỗi FPT Long Châu đạt 11,088 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 48% doanh thu thuần của FRT.
Thêm vào đó, hiệu quả mỗi cửa hàng của Long Châu cũng vượt trội hơn các đối thủ với doanh thu/tháng trong Q3 khoảng 1.05 tỷ/cửa hàng, An Khang năm 2022 chỉ dưới 400 triệu/cửa hàng, Pharmacity năm 2022 chỉ 550 triệu/cửa hàng và các nhà thuốc nhỏ lẻ phần lớn chỉ dưới 100 triệu/cửa hàng.
Trong Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2023, với mục tiêu hòa vốn sau 6 tháng hoạt động, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ mức doanh thu để đạt điểm hòa vốn khoảng 550-600 triệu/tháng, so với các chuỗi khác chỉ khoảng 400-500 triệu đồng. Long Châu có một số yếu tố giúp nhanh đạt điểm hòa vốn như số lượng hàng hóa đa dạng, tập trung vào thuốc kê toa, lợi thế mặt bằng, đội ngũ chuyên môn và lợi thế thương hiệu. Bà Nguyễn Bạch Điệp – người điều hành chuỗi nhà thuốc Long Châu – cho biết 99% cửa hàng có doanh số trên 550 triệu đồng một tháng, bắt đầu hòa vốn sau nửa năm hoạt động.
Sau thành công trong mảng kinh doanh dược phẩm, chuỗi nhà thuốc Long Châu bắt đầu bước chân sang mảng tiêm chủng. Tính đến tháng 10 năm 2023, FPT Retail đã cho ra mắt tổng cộng 4 Trung tâm tiêm chủng Long Châu với 2 cơ sở tại TP Hồ Chí Minh và 2 cơ sở tại Hà Nội. Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp nhiều dịch vụ tiêm chủng linh hoạt theo yêu cầu như: Tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua đặt giữ vắc xin theo yêu cầu, đặt giữ vắc xin online…, dịch vụ tiêm chủng lưu động đối với các nhóm cơ quan, doanh nghiệp.
FRT kỳ vọng dịch vụ tiêm chủng sẽ mang lại lợi nhuận cho chuỗi nhà thuốc Long Châu khi tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam chỉ khoảng 4% dân số, song, tỷ lệ cạnh tranh trong mảng này khá gay gắt khi có nhiều trung tâm tiêm chủng dịch vụ liên tục mở rộng trong những năm gần đây, có thể kể đến như Hồng Ngọc, Vinmec, Medlatec, và gần đây là Dongwha Pharm (Hàn Quốc).
Như vậy, CTCP Dược phẩm FPT Long Châu có tiềm năng rất lớn và vẫn tiếp tục trên đà phát triển.
4. ĐÁNH GIÁ CHUNG MÃ CỔ PHIẾU FRT

● Hệ thống bán lẻ FPT Shop có thị phần đứng thứ 2 sau Thế giới di động về thị trường điện tử và đứng đầu về mảng bán lẻ Laptop tại Việt Nam. Trong năm 2023, do thị trường bán lẻ ITC chưa có nhiều khởi sắc và còn nhiều biến động nên FPT Shop ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Trong dài hạn, FPT Retail sẽ xem xét chuyển dịch cơ cấu sản phẩm để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thị trường khó dự đoán.
● Điểm sáng của FRT tới từ chuỗi nhà thuốc Long Châu với đóng góp đáng kể về doanh thu và được kỳ vọng có sức bật trong tương lai. Trong năm 2023, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã vượt kế hoạch mở mới, đạt được hiệu quả vượt trội với doanh thu khoảng 1.05 tỷ/cửa hàng và bắt đầu bước chân sang mảng tiêm chủng với nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, với sự mở rộng nhanh chóng, FPT Long Châu cần có kế hoạch quản lý phù hợp để tránh rủi ro hoạt động xảy ra.
● Hiện tại, cổ phiếu FRT đang có P/E là -82.38 và được giao dịch với mức giá 100,000 VND.