NGÂN HÀNG TMCP QUÂN ĐỘI
I. GIỚI THIỆU CHUNG
1. Thông tin chung
● Tên đầy đủ: Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội
● Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0100283873 do Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội cấp đăng ký lần đầu ngày 30/09/1994, thay đổi lần thứ 51 ngày 14/12/2022
● Vốn điều lệ: 45.339.861.000.000 (Bốn mươi lăm nghìn ba trăm ba mươi chín tỷ tám trăm sáu mươi một triệu đồng)
● Vốn đầu tư của chủ sở hữu: 79.613.219.000.000 (Bảy mươi chín nghìn sáu trăm mười ba tỷ hai trăm mười chín triệu đồng)
● Điện thoại: 024.6266.1088
● Email: cskh@mbs.com.vn
● Website: https://mbs.com.vn/vi/
● Mã cổ phiếu: MBB
2. Quá trình hình thành và phát triển
– Ngày 4/11/1994, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) được thành lập
– Từ 2005 – 2016, MBB không ngừng mở rộng quy mô và mạng lưới hoạt động.
– Từ 2017 – 2021, mặc dù có giai đoạn khó khăn toàn cầu do đại dịch COVID-19, MBB vẫn có thể tăng trưởng mạnh mẽ, bứt phá trong hoạt động kinh doanh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.
– Đến nay, MBB có tổng cộng hơn 300 điểm giao dịch trải dài khắp 63 tỉnh thành với trụ sở chính đặt tại Hà Nội.

3. Lĩnh vực kinh doanh
Ngân hàng TMCP Quân đội thực hiện các loại hình kinh doanh bao gồm: Hoạt động dịch vụ tài chính, bán buôn kim loại và quặng kim loại, hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm, hoạt động trung gian tiền tệ khác. Trong đó MBB hoạt động chủ yếu là mảng cung cấp dịch vụ tài chính.

4. Các công ty con và công ty liên kết
Tính đến ngày 31/12/2022, Ngân hàng TMCP Quân đội sở hữu 6 công ty con, đều thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính.

5. Cơ cấu cổ đông
Tính đến ngày 31/12/2022, 79,04% MBB thuộc về các cổ đông là tổ chức, 20,96% còn lại thuộc về các nhà đầu tư cá nhân
Các cổ đông là tổ chức chiếm >5%:

Lịch sử tăng vốn điều lệ:
Ngân hàng TMCP Quân đội thực hiện thủ tục để tăng vốn điều lệ lên 45.339.861 triệu đồng.

Lịch sử trả cổ tức:
Tính đến ngày 31/12/2022, Ngân hàng TMCP Quân đội đã thực hiện trả cổ tức tổng cộng 15 lần, trong đó, 10 lần trả bằng cổ phiếu và 5 lần còn lại là bằng tiền mặt.

6. Ban lãnh đạo
Đại tá Lê Trung Thái là người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị MBB từ tháng 4 năm 2023. Ông Thái có khoảng hơn 25 năm gắn bó với MBBank và từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng tại ngân hàng, trong đó ông giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT 10 năm, đồng thời kiêm Tổng giám đốc gần 7 năm đi qua nhiều giai đoạn phát triển mạnh mẽ của MBB.

II. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG TY 2022
1. Bảng cân đối kế toán

1.1. Về tài sản

Tổng tài sản của MB Bank thời điểm 31/12/2022 là 728532 tỷ đồng, tăng 121392 tỷ đồng so với năm 2021 (tương ứng tăng 19,99%). Cơ cấu tài sản gồm:
– Tiền mặt, vàng bạc, đá quý là 3744 tỷ, Chiếm 0,51% tổng tài sản, tăng 269 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 7,73%). Khoản lớn nhất (3417 tỷ) là tiền mặt bằng VND.

– Tiền gửi tại ngân hàng Nhà nước là 39655 tỷ Chiếm 5,41% tổng tài sản, tăng 1603,5 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 4,21%).

– Tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng khác là 32937 tỷ, Chiếm 4,52% tổng tài sản, giảm 3406 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 8,47%), do giảm cho vay các tổ chức tín dụng khác, giảm dự phòng rủi ro cho vay.

– Chứng khoán kinh doanh là 4106 tỷ, Chiếm 0,56% tổng tài sản, giảm 3470 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 45,8%).
Bao gồm Chứng khoán nợ (4071 tỷ, chiếm 99% chứng khoán kinh doanh) và Chứng khoán Vốn (37 triệu). Chứng khoán Nợ chủ yếu là Trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành có kỳ hạn là từ 6 tháng đến 36 tháng, được hưởng lãi suất 3,9% đến 8% 1 năm, có rủi ro khá thấp.

– Các công cụ tài chính phái sinh và các tài sản tài chính khác là 170381 tỷ, giảm 205 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 74,66%), chủ yếu ở giao dịch hoán đổi trị giá 124526 tỷ.

– Cho vay khách hàng là 448598 tỷ, Chiếm 61,58% trên tổng tài sản, tăng 93802 tỷ so với năm 2021 (tương ứng tăng 26,44%).
Trong năm 2022, MB Bank tăng mạnh cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước do có thêm gần 7 triệu khách hàng mới đến từ 2 ứng dụng MBbank và Biz MBbank, chủ yếu cho vay ngắn hạn.

Về cơ cấu nợ vay theo đối tượng khách hàng và loại hình doanh nghiệp, 5 nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất từ cao đến thấp lần lượt là: Hộ kinh doanh, cá nhân (221299 tỷ, chiếm 48% tổng cho vay khách hàng), Công ty Cổ phần khác (115486 tỷ, chiếm 25%), Công ty Trách nhiệm hữu hạn khác (76846 tỷ, chiếm 17%), Công ty Nhà nước (20964 tỷ, chiếm 5%), Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (10170 tỷ, chiếm 2%).

Về mục đích vay, 3 ngành chính vay nợ là Hoạt động làm thuê hộ gia đình (dư nợ (150445 tỷ), Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (114652 tỷ) và Công nghiệp chế biến, chế tạo (71318 tỷ).

Trong đó, 96% nợ cho vay là nợ đủ tiêu chuẩn. Nợ xấu của MBB đạt 5531 tỷ, tăng 54% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nợ có khả năng mất vốn lên 2293 tỷ.

Tính đến cuối quý 3 năm 2023, dư nợ cho vay của MB đối với Novaland chỉ còn 1760,3 tỷ, giảm gần 45% so với cuối năm 2022, chủ yếu do các dự án của Novaland được phê duyệt và tiếp tục triển khai là Aqua City và Novaworld Phan Thiết.

– Hoạt động mua nợ: tăng 1007 tỷ so với năm 2021 (tương ứng tăng 56906,4%). Ngân hàng không giải trình cụ thể nhưng đã trích dự phòng 11 tỷ.

– Chứng khoán đầu tư là 159580 tỷ, Chiếm 21,9% tổng tài sản, tăng 30774 tỷ so với năm 2021 (tương ứng tăng 23,89%). Chủ yếu là chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán (154506 tỷ, tăng gần 30000 tỷ tương ứng 24,05%), gồm trái phiếu chính phủ (155 tỷ), chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành (66 tỷ), trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (44 tỷ).

– Góp vốn, đầu tư dài hạn là 625 tỷ, giảm 178 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 18,29%). Doanh nghiệp không cập nhật thêm thông tin.

– Tài sản cố định hữu hình là 3,458 tỷ, tăng 244 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 7,58%), tập trung vào nhà cửa, vật kiến trúc và máy móc thiết bị.

– Tài sản cố định vô hình: tăng 151 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 10,34%), tập trung vào quyền sử dụng đất.

– Bất động sản đầu tư: giảm 33 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 12,2%).

– Tài sản “Có” khác là 32901 tỷ, Chiếm 4,52% tổng tài sản, tăng 476 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 1,47%). Bao gồm các khoản phải thu (20161 tỷ), Các khoản lãi, phí phải thu (6786 tỷ), Tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (11 tỷ), Tài sản Có khác (6175 tỷ), Các khoản dự phòng rủi ro cho các tài sản Có nội bảng khác (231,5 tỷ).

+ Các khoản phải thu: Giảm 3763 tỷ so với năm 2021 (tương ứng giảm 15,73%), chủ yếu là các khoản phải thu bên ngoài, trong đó có hai khoản thu lớn nhất là Phải thu liên quan đến tài trợ thương mại (9292 tỷ, giảm mạnh một nửa) và dịch vụ thanh toán (4990 tỷ, tăng mạnh hơn 4000 tỷ).

+ Các khoản lãi, phí phải thu: tăng 2187 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 47,55%). Ngân hàng không cung cấp thuyết minh liên quan.
+ Tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại: tăng 10 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 1945,81%).

+ Tài sản Có khác: tăng 2213 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 55,85%), do tăng chi phí trả trước chờ phân bổ khác và tăng phải thu về hoạt động ủy thác đầu tư.

1.2 Phân tích nguồn vốn:
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng nguồn vốn của MBB là 728532 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải trả là 648919 tỷ đồng chiếm 89,7% tổng nguồn vốn của MBB, Vốn chủ sở hữu và các quỹ là 79613 tỷ đồng chiếm 10,93%.
1.2.1 Nợ phải trả:
– Các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là 32 tỷ, chiếm 0,004% tổng nguồn vốn, giảm 230 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 87,88%).

– Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác là 65117 tỷ, Chiếm 8,94% tổng nguồn vốn, tăng 5556 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 9,33%).
Trong đó, tiền gửi tăng 19189 tỷ so với năm 2021 (tương ứng tăng 138,44%), chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn. Khoản vay giảm 13632 tỷ (tương ứng 29,845), do giảm vay VND.

– Tiền gửi của khách hàng: là 443606 tỷ, Chiếm 60,89% tổng nguồn vốn, tăng 58913 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 15,31%).
Năm 2022, lượng tiền gửi có kỳ hạn trong MBB ghi nhận mức tăng hơn 66000 tỷ, vẫn là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất, bên cạnh đó 56% tổng tiền gửi đến từ khách hàng cá nhân với tổng trị giá 244734 tỷ, tăng 21%.

– Vốn tài trợ, ủy thác đầu tư, cho vay mà tổ chức tín dụng chịu rủi ro: là 2003 tỷ, chiếm 0,27% tổng nguồn vốn, tăng 4 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 0,2%).

– Phát hành giấy tờ có giá: là 96578 tỷ, Chiếm 13,26% tổng nguồn vốn, tăng 29691 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 44,39%), bao gồm trái phiếu bằng VND và chứng chỉ tiền gửi bằng VND.

– Các khoản nợ khác: là 41584 tỷ, chiếm 5,71% tổng nguồn vốn, tăng 10330 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 51,41%). Bao gồm các khoản lãi, phí phải trả (7688 tỷ), Các khoản phải trả và công nợ khác (33896 tỷ), Dự phòng rủi ro cho công nợ tiềm ẩn và cam kết ngoại bảng (27 triệu).
+ Các khoản lãi, phí phải trả: tăng 2610 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 51,41%). Ngân hàng không cung cấp thuyết minh liên quan.
+ Các khoản phải trả và công nợ khác: tăng 7720 tỷ so với năm 2021 (tương ứng 29,49%). Chủ yếu là các khoản phải trả bên ngoài (30489 tỷ).

1.2.2. Vốn chủ sở hữu và các quỹ: Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của MBB là 79613 tỷ đồng (chiếm 10,93% tổng nguồn vốn), tăng 17127 tỷ so với năm 2021 do tăng vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối. Trong đó: Vốn điều lệ là 45340 tỷ đồng; phần còn lại 34273 tỷ đồng là thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, lợi nhuận chưa phân phối, lợi ích cổ đông không kiểm soát.

Ta thấy tiền gửi khách hàng vẫn duy trì tăng trưởng đều tuy nhiên chi phí cao hơn so với năm trước, trong đó tiền gửi của khách hàng cá nhân vẫn chiếm phần lớn. Mức tăng trưởng tín dụng duy trì đều, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu tăng cao hơn so với năm trước và doanh nghiệp cũng đầu tư chứng khoán chủ yếu vào trái phiếu các tổ chức tín dụng khác nên tương đối an toàn.
2. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Tổng thu nhập của MBB là 45.593 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 18155 tỷ, tương ứng tăng 23% và 37% so với năm 2021.
Thu nhập lãi thuần là 36.023 tỷ, tăng 9.823 tỷ so với năm trước, chủ yếu đến từ thu nhập lãi cho vay khách hàng và các tổ chức tín dụng khác, theo sau là thu lãi từ chứng khoán nợ. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần của MBB là 5,72%, tăng 0,70% so với 2021. .
Tiền gửi khách hàng tại MBB tăng trưởng 15,3% và đạt hơn 443,6 nghìn tỷ. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn CASA đạt 171396 tỷ, chiếm khoảng 30% trên tổng huy động. Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số hóa toàn diện tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khách hàng trên 2 nền tảng App MBBank và BIZ MBBank, số lượng khách hàng cá nhân của ngân hàng tăng trưởng hơn 50% trong năm 2022, từ mức 13 triệu lên 20 triệu người.

Cuối năm 2022, tổng vốn MBB huy động là 573 nghìn tỷ, tăng 107 nghìn tỷ.

MBB cho vay tổng cộng 468 nghìn tỷ, trong đó 98% là cho vay khách hàng, 2% còn lại là cho các tổ chức tín dụng khác.
Mặc dù thu nhập lãi thuần vẫn tăng, song tại thời điểm cuối 2022, MBB ghi nhận sụt giảm từ các mảng như hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư dài hạn.
Đối với hoạt động dịch vụ, MBB có ghi nhận tăng 1.935 tỷ, chủ yếu đến từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, do ngân hàng bắt tay vào thực hiện các chiến lược chuyển dịch số, triển khai thành công các sản phẩm dành riêng cho kênh phân phối số, lần đầu tiên có mặt trên thị trường Việt Nam.Chi phí MBB cho lĩnh vực này bao gồm chi phí môi giới và kinh doanh bảo hiểm. Dẫn đến lãi thuần của hoạt động dịch vụ giảm nhẹ so với 2021, từ 4.367 tỷ giảm còn 4.135 tỷ.

Chi phí hoạt động là 14816 tỷ, trong đó chi hơn 6.817 tỷ để trả lương cho nhân viên. Cùng với một số chi phí khác như khấu hao tài sản cố định, quản lý công vụ,… đã khiến chi phí hoạt động của MBB tăng 20% so với 2021.

Bên cạnh đó, MB trích lập 8048 tỷ chi phí dự phòng rủi ro, tăng nhẹ so với năm trước, thống nhất không trích lập dự phòng cho các khoản nợ thuộc nhóm 1, 5% cho nhóm 2, 20% cho nhóm 3, 50% cho nhóm 4 và 100% cho nhóm 5.

3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1876 tỷ và giảm 58% so với năm 2021. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư đạt -1443 tỷ đồng và giảm 58% so với năm 2021. Trong khi đó, lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính đạt -140 tỷ và giảm gần 2.2 lần so với năm 2021.
4. Các chỉ số tài chính

III. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2023
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của MBB đạt 35556 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do tăng thu nhập lãi thuần. Lợi nhuận trước thuế đạt 20019 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và đạt 77% kế hoạch.

Về cơ cấu thu nhập hoạt động, mảng thu nhập lãi thuần vẫn chiếm phần lớn nhất với 83%, sau đó là lãi từ hoạt động dịch vụ.

Xét về thu nhập lãi thuần, thu nhập đạt 52146 tỷ, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng thu nhập lãi cho vay, tuy nhiên chi phí lãi đạt 22626 tỷ và tăng mạnh 110% khi tăng hơn 8600 tỷ chi lãi tiền gửi do lãi suất tăng từ giữa năm 2022.

Biên lãi ròng (NIM) MBB lũy kế giảm nhẹ 0,08% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đại diện của MB, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc MB tập trung giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, kinh tế toàn cầu giảm sút, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

MBB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo giới hạn của ngân hàng nhà nước (NHNN), theo đó NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% và được linh hoạt điều chỉnh phù hợp. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2023 của MBB đạt 13,7% so với đầu năm, trong khi tín dụng tính đến cuối tháng 6 tăng 10,6%, cho thấy giải ngân trong quý 3 có phần chậm lại so với quý trước.

Tiền gửi của khách hàng đạt 480 nghìn tỷ, tăng 36 nghìn tỷ so với cùng kỳ, chủ yếu vẫn đến từ khách hàng cá nhân.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ là 2630 tỷ, giảm 10% so với cùng kỳ chủ yếu do bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Thu nhập từ các mảng khác đều giảm, trong đó lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối là 920 tỷ, giảm 31% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó mảng chứng khoán kinh doanh đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn đạt 770 tỷ, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động 9 tháng đầu năm đạt 11037 tỷ, được kiểm soát tốt khi ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó 56% chi cho nhân viên, chủ yếu là chi phí lương và phụ cấp, 21% chi cho hoạt động quản lý công cụ và 19% chi về tài sản.

Như vậy, lợi nhuận trước thuế lũy kế của MB Bank đạt mức 20.018 tỷ, tăng 10% so với cùng kỳ, vươn lên đứng đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần về lợi nhuận, và xét trong toàn hệ thống Ngân hàng thì tạm thời chỉ xếp sau Vietcombank. Từ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 16009 tỷ.

Mặc dù dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận, song tốc độ gia tăng nợ xấu cũng nhanh hơn trong quý này khi tăng lên mức 1.9%, trong đó tỷ trọng nợ nhóm 3 và nhóm 4 có mức tăng mạnh nhất (lần lượt 56% và 37% so quý trước). Với tốc độ gia tăng của nợ xấu, MBB cũng đã tích cực trích lập trong quý này, chi phí tín dụng tăng 50% so cùng kỳ và 20% so quý trước. Dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn giảm về 122%, nhưng vẫn nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ bao phủ cao nhất hệ thống.

Về triển vọng và thách thức của MBB trong thời gian tới
Về mảng tín dụng
Về chiến lược kinh doanh, MBB là doanh nghiệp nổi bật trong việc thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay. Tính đến cuối tháng 9/2023, MB ghi nhận 1,5 tỷ giao dịch trên kênh kỹ thuật số với giá trị giao dịch đạt 7 triệu tỷ đồng. Quy mô giao dịch trên nền tảng vẫn ở mức cao 96%, tương thích với các ngân hàng hàng đầu Châu Á. Đồng thời, MB là ngân hàng tham gia sở hữu ứng dụng hàng đầu với hơn 10 triệu tài khoản đang hoạt động tại Việt Nam.

Xem xét theo trung và dài hạn, cổ phiếu MBB sẽ có triển vọng khi kỳ vọng tín dụng còn phục hồi và dư địa tăng trưởng tốt khi ngân hàng tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, số lượng khách hàng vẫn liên tục tăng nhờ triển khai hiệu quả hoạt động của ngân hàng số.

MBB có thể sẽ cải thiện mức NIM rõ rệt hơn trong năm 2024 nhờ: (1) chi phí vốn dần phản ánh những bước đi điều hành lãi suất, CASA cải thiện nhờ nhóm KHDN; trong khi (2) tốc độ giảm của lãi suất cho vay sẽ chậm hơn bởi các khoản vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu cho vay khiến thời gian tái định lãi suất cũng dài hơn.

Về mảng dịch vụ
Mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm vẫn là mảng đem lại doanh thu lớn trong mảng này, dưới sự hoạt động của hai công ty bảo hiểm con là MIC và MB Ageas. Hai doanh nghiệp sở hữu lợi thế khi là công ty con của ngân hàng Quân đội MB, có khả năng hợp tác với các ngân hàng khác, kể cả MB Bank trong việc thực hiện bán bảo hiểm theo Bancassurance.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2023 ước tính giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ giảm 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%. Câu chuyện niềm tin của khách hàng về bảo hiểm gần đây bị ảnh hưởng xấu khi xảy ra các vấn đề tiêu cực có liên quan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ tư vấn thành công mà còn đến khả năng ký kết hợp đồng với khách hàng tiềm năng trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực cải tiến về hoạt động, dịch vụ của chính doanh nghiệp, cần phải đòi hỏi thêm những giải pháp từ cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo lòng tin và quyền lợi của khách hàng, từ đó mới có thể gia tăng doanh thu mảng này.

ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ MBB
– Hiện MBBank là ngân hàng có hệ sinh thái số đa dạng nhất ngành (bảo hiểm, chứng khoán, thanh toán, viễn thông, logistics,…) Ngân hàng triển khai 49 mini apps và có 200 đối tác kết nối sang BaaS (Banking-as-a-Service), giúp khai thác nhiều dịch vụ ở nhiều khía cạnh của khách hàng, có khả năng trở thành ngân hàng có tỷ lệ chia sẻ ví cao nhất hệ thống, từ đó, có lợi thế về chi phí vốn và hoạt động của công ty con mang lại nguồn lãi lớn.
– Là doanh nghiệp có lợi nhuận hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng, có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống và dẫn đầu về chuyển đổi số
– Tuy nhiên ngân hàng vẫn đang duy trì mức tỷ lệ nợ xấu tương đối cao khiến chi phí dự phòng tăng lên.